Giá khoai mì (sắn) liên tục tăng cao kể cả trong mùa thu hoạch trọng điểm ở khu vực miền Nam nước ta và Campuchia. Giá cao, nhiều nông dân đang “nhấp nhổm” trở lại cây mì khi mùa trồng mới cận kề…

NHÀ NÔNG NGẬM NGÙI KHI GIÁ MÌ TĂNG

Đang trong mùa thu hoạch củ mì nhưng khác với những năm trước giá mì tăng vùn vụt vì cung không đủ cầu. Một thương lái chuyên thu mua củ mì khu vực biên giới Lộc Ninh bán cho các nhà máy chế biến tinh bột mì ở Tây Ninh cho biết, hiện giá củ mì nguyên liệu mua vào của các nhà máy tiếp tục tăng mạnh thêm 300 đồng/kg so với đầu tháng 2, lên mức phổ biến từ 2.700-2.900 đồng/kg. Giá củ mì sẽ còn tăng vì khan hiếm.

Tại khu vực trồng mì trọng điểm biên giới các xã Lộc Thạnh, Lộc Hòa (Lộc Ninh), cây mì chỉ còn trồng dọc hành lang đường điện quốc lộ 13

Thời điểm này, tại vùng trọng điểm trồng mì trên khu vực biên giới các xã Lộc Thạnh, Lộc Hòa (Lộc Ninh) khoai mì chủ yếu từ Campuchia chở về qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư nhưng sản lượng chỉ bằng 60% so với những năm trước. Mì thu hoạch nội địa không có. Ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh xót xa nói: 10 năm đeo đẳng với cây mì, chủ yếu là trồng xen trong vườn điều, cao su mong lấy ngắn nuôi dài nhưng năm nào may mắn thì có lời chút đỉnh. Riêng 3 năm liên tiếp gần đây chịu lỗ nặng. Vụ mùa khoai mì 2016-2017, với 8 ha mì trồng xen trong vườn điều, gia đình tôi lỗ 70 triệu đồng nên đành “chia tay” loại cây này. Khu vực biên giới Lộc Thạnh có khoảng 200 ha đất trồng mì năm nay bỏ trống. Không chỉ nông dân mà cả các thương lái ở Tây Ninh nhiều năm trước lên thuê đất ở khu vực Hoa Lư vừa trồng mì và thu gom đều trắng tay vì thua lỗ.

Theo khảo sát của phóng viên, giá mì những năm gần đây lên xuống thất thường và có xu hướng giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2013 mì có giá 2.500 đồng/kg, năm 2014 là 2.200 đồng/kg, năm 2015 giá đầu mùa từ 1.600-2.000 đồng/kg mì tươi. Mùa thu hoạch mì 2016-2017, giá tại nhà máy thu mua của doanh nghiệp đối với loại mì đạt 30o là 1.400 đồng/kg. Mì xuất xứ từ Campuchia có giá 1.200-1.300 đồng/kg. Nếu chữ bột (tinh bột) giảm 1 độ sẽ bị trừ 50 đồng/kg. Do trồng mì thua lỗ lớn nên nông dân không mặn mà xuống giống vụ 2017-2018.

GIÁ CAO DO DIỆN TÍCH TRỒNG GIẢM

Theo tính toán của ông Nguyễn Anh Nhật, với giá mì như thời điểm này thì nông dân lãi hơn 1.000 đồng/kg (đã trừ tiền thuê đất). Nếu không phải thuê đất lời khoảng 1.300 đồng/kg. Giá cao khiến nhiều nông dân nhấp nhổm mùa mưa này sẽ xuống giống cây mì. Tuy nhiên, trước đây do trồng liên tục nên nhà nông có sẵn giống, năm nay nếu trồng lại giá cây giống sẽ rất cao… Điều đáng nói, những năm gần đây, công lao động phổ thông ở nông thôn khan hiếm, trong khi trồng mì chủ yếu cần công lao động phổ thông như làm cỏ, nhổ mì… Bên cạnh đó, nông dân rất cần dự báo về thị trường khoai mì của ngành chức năng, Hiệp hội Sắn Việt Nam để có thể tính toán lời, lãi.

Với giá tăng cao như hiện nay, nông dân Bình Phước lại bỏ lỡ thời cơ có thu nhập cao từ khoai mì. Trong ảnh, người dân ấp 8, xã Tân Thành (Đồng Xoài) thu hoạch mì (ảnh minh họa) – B.L

Theo Bộ Công Thương, do xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi nên giá củ mì tăng cao hơn so với mọi năm. Xuất khẩu khoai mì sang Trung Quốc chiếm 91,4% tổng lượng xuất khẩu mì của Việt Nam. Từ ngày 1-1-2018, xăng E5 chính thức được dùng phổ biến trên toàn quốc, thay thế xăng A92. Nguồn nguyên liệu sản xuất xăng E5 là khoai mì. Vì vậy, việc sử dụng xăng E5 không những thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học phát triển mà còn góp phần tạo thu nhập bền vững cho hộ dân trồng mì ở miền núi, vùng sâu, xa…

Do những năm trước, giá khoai mì ở ngưỡng thấp nên sản lượng niên vụ 2017-2018 của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đều giảm do thu hẹp diện tích gieo trồng. Diện tích trồng mì tại Campuchia có thể giảm 20-30%. Do vậy, giá mì  nguyên liệu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu thị trường rất lớn, đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học ethanol đang đẩy mạnh thu mua mì nguyên liệu.

Nhu cầu mua mì lát của Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng. Giá cồn tại Trung Quốc đang cao nên giá mua mì lát được đẩy lên, trong khi lượng tồn kho của Việt Nam và Thái Lan không nhiều, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu mì chào hàng với giá cao trong thời gian tới. Thêm vào đó, nhiều tỉnh phía đông bắc Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng xăng E10 thay thế xăng thông thường kể từ đầu năm 2018, từ đó đẩy giá ethanol từ bắp, mì và mật rỉ tăng. Hiệp hội Sắn Việt Nam dự báo, giá mì lát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh sản lượng mì lát vụ 2017-2018 có thể giảm tới 50% so với vụ mùa 2016-2017.

Năm 2017, xuất khẩu mì và sản phẩm từ khoai mì của Việt Nam lọt vào danh sách nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, với mức tăng trưởng 5,5% về lượng và tăng 3% về kim ngạch so với năm 2016, đạt 3,9 triệu tấn, thu về 1,03 tỷ USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu mì năm 2017 lại giảm nhẹ 2,4% so với năm 2016, đạt 263,9 USD/tấn. Đáng chú ý là giá xuất khẩu sang tất cả thị trường đều giảm nhẹ so với năm 2016. Bấp bênh thị trường khoai mì là do xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu qua thị trường Trung Quốc (hơn 90% sản lượng).

Giá liên tục tăng, nguồn cung giảm… khiến nông dân ở một số địa phương trong tỉnh đang “nhấp nhổm” trở lại với cây mì. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương, khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến mùa xuống giống vụ mì mới.

Nguồn Báo Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết