Nhiều người vẫn tin rằng “bệnh ung thư đồng nghĩa với cái chết”, nhưng sự thực là hầu hết các loại bệnh ung thư có thể chữa trị được.
Chăm sóc cho người bệnh tại Bệnh viện K
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết tại Việt Nam ước tính có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư hằng năm, hiện có hơn 200.000 người đang sống với bệnh ung thư hoặc đã chiến thắng căn bệnh này.
Trên 80% bệnh ung thư có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm
Thực tế không phải “bệnh ung thư đồng nghĩa với cái chết”, trên 80% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Giới chuyên môn xác định những người đã được điều trị thành công bệnh ung thư và không có bệnh tái phát trở lại trong vòng 5 năm được coi là điều trị khỏi.
Ông Nguyễn Bá Đức phân tích, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị khỏi bệnh ung thư là: loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, đáp ứng của bệnh với điều trị.
Có nhiều loại ung thư hiện nay có thể điều trị khỏi. Khoảng 7 trong số 10 trẻ em mắc bệnh ung thư có thể được chữa khỏi bệnh. Ung thư tinh hoàn, bệnh Hodgkin và nhiều ca bệnh ung thư ở người lớn có thể chữa khỏi với các biện pháp điều trị hiện tại.
Phần lớn các trường hợp ung thư da có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Rất nhiều ca bệnh ung thư tuyến giáp trạng và ung thư dây thanh được điều trị khỏi bằng xạ trị.
Nhiều loại ung thư cũng có thể được điều trị khỏi nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm như 75% các bệnh nhân ung thư vú có thể điều trị khỏi ở giai đoạn sớm.
Điều khó khăn là các bệnh ung thư diễn biến không giống nhau và có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh, do đó không thể có chiến dịch thống nhất để phòng bệnh và mỗi loại bệnh có biện pháp điều trị khác nhau nên phương pháp điều trị không thể chữa khỏi tất cả các loại ung thư.
Có rất nhiều nghiên cứu đang và sẽ được tiến hành nhằm nâng cao tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư bằng phương pháp phẫu thuật mới, kỹ thuật xạ trị mới cũng như các thuốc điều trị mới giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Các biện pháp điều trị sinh học như vắc xin chống ung thư, kháng thể đơn dòng, điều trị gene… là một trong những mảng nghiên cứu lớn hiện nay. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát triển các thuốc kháng tạo mạch để ngăn chặn sự phát triển các mạch máu trong khối ung thư.
Đặc biệt còn có các nghiên cứu về sàng lọc hiệu quả một số loại ung thư phổ biến nhằm phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và có thể chữa khỏi.
Không nên bỏ cuộc
Người bệnh ung thư thường cảm thấy bị “sốc” khi được biết tin mắc bệnh ung thư và trong suốt quá trình điều trị. Những cảm xúc này khiến người bệnh mệt mỏi và suy sụp.
Đừng giấu bệnh, đừng chần chừ, hãy chia sẻ tâm tư của mình với người thân hoặc với những người đã chiến thắng bệnh ung thư. Hãy đương đầu với bệnh ung thư giống như việc ta phải đương đầu với các vấn đề khó khăn khác trong cuộc sống.
Đừng bao giờ bỏ cuộc kể cả khi bạn đã ở giai đoạn cuối vì điều trị sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều.
Hãy lên kế hoạch điều trị và điều trị sớm để chiến thắng căn bệnh này. Cần tin tưởng bệnh ung thư của bạn cũng sẽ khỏi như các loại bệnh ung thư dưới đây:
Ung thư tuyến giáp: Tỉ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán là gần 100%. Thể nhú sống sau 10 năm là 74-93%; Thể nang sống sau 10 năm là 43-90%. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy sưng ở cổ hay có bất kỳ triệu chứng nào như khó thở hay khó nuốt.
Ung thư tiền liệt tuyến: Tỉ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm với ung thư tiền liệt tuyến tại vùng là 100% và giảm xuống 34% khi có di căn xa. Vì vậy, hãy định lượng kháng nguyên tiền liệt tuyến PSA để phát hiện sớm bệnh.
Ung thư tinh hoàn: Tỉ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn 1 là 100%, trong khi giai đoạn 4 chỉ còn sống thêm 33%. Chưa di căn hạch sống thêm 5 năm 85,5%, có di căn hạch sống thêm chỉ đạt 20,5%. Hãy cắt bao quy đầu, vệ sinh bộ phận sinh dục tránh viêm nhiễm và sống chung thủy, quan hệ tình dục an toàn… sẽ phòng ngừa được bệnh.
Ung thư da: Kết quả sống thêm 5 năm đạt 98%. Nếu tái phát tại chỗ có thể mổ lại hoặc tia xạ, sống thêm 5 năm đạt 96%. Phát hiện sớm bệnh bằng cách đi khám ngay nếu thấy: loét lâu liền hoặc loét rớm máu; biến đổi dày sừng có loét, nổi cục, dễ chảy máu; loét hoặc nổi cục trên bề mặt sẹo cũ; mảng đỏ mạn tính có loét…
Ung thư vú: Tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân ung thư vú phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Giai đoạn 0-I: 100%; giai đoạn IIA: 92%; giai đoạn IIB 81%; giai đoạn IIIA 67%; giai đoạn IIIB 54%; giai đoạn IV 20%. Để phát hiện sớm hãy thực hiện sàng lọc bằng chụp X-quang tuyến vú hằng năm và đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường.
Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (ở giai đoạn muộn). Cần áp dụng các biện pháp phòng, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phương pháp.
Thực tế ở các nước có nền y tế phát triển đã khỏi trên 50% bệnh nhân ung thư nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta tỉ lệ khỏi bệnh còn thấp do phần lớn người bệnh được phát hiện muộn. Nhiều người bệnh tin cách chữa phản khoa học, “lang băm”, mê tín dị đoan… đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện.
Nguồn: vietnamnet