Mỗi năm nước ta có hàng ngàn lễ hội được tổ chức, với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhưng cứ vào mùa lễ hội, những tranh cãi lại xảy ra, vấn đề cũ được nói lại, nhất là tình trạng lễ hội biến tướng để trục lợi, gây phản cảm… Hiện tượng xô đẩy, chen lấn, giằng giật “lộc”, hay “đút lót” thần thánh bằng cách rải tiền lẻ ở các đền, chùa, … vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt là có không ít lễ hội mang tính bạo lực mà dư luận cho rằng nó đang “gieo mầm” cho cái ác.
Ảnh minh họa
Nhiều lễ hội có nghi thức giết động vật làm vật tế thần linh có từ xưa như treo trâu, chém lợn, đâm trâu… Ở Bình Phước hiện vẫn còn lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Người viết bài cũng đã được một vài lần dự lễ hội đâm trâu của đồng bào S’tiêng nên cảm nhận rất rõ sự hạn chế tính nhân văn của nó. Việc đâm, chém, treo cổ là sự đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức con vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, lứa tuổi có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định, rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng, những lễ hội với tập tục đẹp, văn minh thì nên giữ; những lễ hội có nội dung bạo lực, khơi gợi và “gieo” cái ác thì ai cũng cho rằng cần phải loại trừ. Bởi lẽ, cái ác trong xã hội vẫn diễn ra hàng ngày, ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Trong 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, cả nước có gần 4.500 trường hợp cấp cứu do đánh nhau và đã có 20 người tử vong. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chắc chắn có “mầm bạo lực” từ những cảnh chém lợn, đâm trâu,… mà người ta từng nhìn thấy. Và ngày nay, không cần đến lễ hội, người dân mở điện thoại thông minh, xem qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng cũng thấy được khá nhiều cảnh bạo lực tại các lễ hội.
Mùa lễ hội năm nay có nhiều điểm đáng mừng nhờ có sự vào cuộc kịp thời, có hiệu quả của các ngành chức năng. Đã có những lễ hội, tập tục địa phương mang tính hung bạo, dã man, phản cảm, sát sinh cúng lễ gây bất bình… được điều chỉnh, hoặc loại bỏ. Dù điều chỉnh nhưng không khí, ý nghĩa của ngày hội vẫn như cũ và đầy ắp dấu ấn văn hóa truyền thống làng quê. Do đó, việc sàng lọc, lựa chọn, vận động để gìn giữ những lễ hội hữu ích, mang tính nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc, mà tiêu biểu như lễ hội Minh Thề là rất cần thiết. Đồng thời phải vận động hoặc cương quyết loại bỏ những lễ hội mang tính lôi cuốn kích động bạo lực, những hủ tục dã man, có hại cho đạo đức xã hội, “gieo” tính hung hãn, côn đồ cần phải tiếp tục thực hiện.
Mùa xuân luôn gắn liền với mùa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây là cơ hội để duy trì, phát huy, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhưng trong một xã hội dân trí chưa cao, bạo lực tự phát ngày một tăng, những giá trị không hướng thiện cần phải được mạnh dạn loại bỏ. Không thể “gieo” vào cuộc sống mầm ác và điều xấu. Và cao hơn là không thể nhân danh bản sắc văn hóa để cố giữ lấy hủ tục, làm những điều ngược lại với quan điểm nhân văn mà nhân loại hướng tới. Bởi, sức sống bền bỉ của cội nguồn văn hóa chính là gieo mầm phúc đức cho nhiều thế hệ, giáo dục hướng thiện, liên kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp và văn minh.
Hà Thanh