Trong bối cảnh ngày càng bị bao vây trừng phạt, khả năng Triều Tiên sẵn sàng bán công nghệ hạt nhân và tên lửa đổi lấy tiền mặt ngày càng cao.

Lo Triều Tiên bán công nghệ hạt nhân cho khủng bố - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (thứ 3 từ trái sang) xem xét một thiết bị được cho là bom H 

Tính từ năm 2006 đến tháng 9-2107, tổng cộng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã áp 9 lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này.

Hai lệnh trừng phạt liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9-2017 nhận được sự ủng hộ và thực thi có-vẻ-là-nghiêm-túc ban đầu của Trung Quốc – quốc gia thân cận nhất với Triều Tiên. Những tín hiệu cứng rắn từ Bắc Kinh – điều rất ít khi thấy trước đó, đang có xu hướng ngày càng tăng kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền ở Bình Nhưỡng.

Điều đó đồng nghĩa những dòng chảy thương mại xuyên biên giới Trung – Triều sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng liệu điều đó có làm khó được Bình Nhưỡng?

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

 Các vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên gần đây, nếu nhìn ở khía cạnh khác, giống như các màn quảng cáo để chào mời khách hàng tiềm năng.

Hồi đầu tháng 9 rồi, giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo thừa nhận Triều Tiên “có bề dày lịch sử trong việc phổ biến và chia sẻ kiến thức, công nghệ và các tiềm lực quân sự ra khắp thế giới”.

Trong nhiều năm trời, hàng triệu đôla đã đổ vào túi Triều Tiên thông qua việc bán các thiết bị quân sự và tên lửa, thậm chí bằng cả những hoạt động bất hợp pháp khác như buôn lậu ma túy, động vật hoang dã quý hiếm và đồ giả

Nhà nghiên cứu Daniel Salisbury tại Trung tâm Belfer (Đại học Harvard, Mỹ)

Trải qua thời gian, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay những phi vụ Triều Tiên bán công nghệ và nguyên liệu chế tạo hạt nhân cho nước khác thông qua các mạng lưới bất hợp pháp.

Những năm 1990, một loạt các cáo buộc xuất hiện nói các chuyên gia kỹ thuật Triều Tiên đã hỗ trợ người Pakistan sản xuất Krytrons – một thiết bị được dùng để kích nổ bom hạt nhân.

Cuối thập niên đó, người ta tin rằng Bình Nhưỡng đã chuyển một cơ số không xác định các thùng Uranium hexafluoride (UF6) làm giàu ở mức độ thấp sang Pakistan, nơi chúng được A.Q Khan – cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan, chuyển sang Libya. UF6 là hợp chất hóa học cần thiết để tạo ra uranium làm giàu cấp độ cao được sử dụng trong vũ khí hạt nhân.

Nhưng vụ việc chấn động nhất và có dính líu tới Triều Tiên xảy ra tại Syria năm 2007. Nghi ngờ chính quyền Damascus bí mật xây dựng nhà máy làm giàu plutonium dưới sự trợ giúp của Triều Tiên, Israel đã đưa ra quyết định liều lĩnh: điều phi đội ném bom phá hủy toàn bộ.

Một báo cáo tình báo vắn tắt của Mỹ sau vụ không kích đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên và lò phản ứng của Syria. Báo cáo cũng lưu ý đến chuyện nhiều hàng hóa chưa xác định đã được chuyển từ Triều Tiên tới khu lò phản ứng Al Kibar từ cuối năm 2006.

Lo Triều Tiên bán công nghệ hạt nhân cho khủng bố - Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh nơi được cho là nhà máy hạt nhân Al Kibar của Syria trước (bên trái) và sau cuộc không kích của Israel năm 2007

Năm 2017, một báo cáo của LHQ cho thấy Triều Tiên đang tìm cách bán Lithium-6 (Li-6), một đồng vị được sử dụng để chế tạo bom nhiệt hạch (bom H). Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa và dọa sẽ thử tiếp ở tây Thái Bình Dương nếu Mỹ làm càn.

Một báo cáo của LHQ khẳng định sẽ điều tra việc Bình Nhưỡng ký các hợp đồng đào tạo quân sự, cung cấp vũ khí cho một số nước châu Phi.

Triều Tiên nói gì?

Điều ngạc nhiên là việc bán Li-6 được chào mời công khai qua các mẩu quảng cáo trực tuyến. Lần theo dấu vết, người bán khẳng định mỗi tháng có thể cung cấp ít nhất 10kg Li-6 từ Đan Đông – một thành phố của Trung Quốc nằm ở biên giới Trung-Triều.

Nhưng tất cả, từ số điện thoại đến địa chỉ ghi trên quảng cáo, trên thực tế đều không hề tồn tại. Dù vậy, người mua vẫn có đủ số lượng Li-6 muốn có thông qua đơn đặt hàng trực tuyến.

Green Pine Associated Corporation – một công ty của Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt của LHQ năm 2012, được cho là đứng sau các mẩu quảng cáo trên. Sự việc một lần nữa làm dấy lên quan ngại khi có ý kiến cho rằng bán Li-6 chỉ là phép thử và tính toán của Triều Tiên trước khi rao bán thêm nhiều thứ khác giá trị hơn.

Lo Triều Tiên bán công nghệ hạt nhân cho khủng bố - Ảnh 4.

Có ý kiến cho rằng các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên là cách để tiếp thị tới bạn hàng tiềm năng tương lai 

Mặc dù vậy, trong các tuyên bố công khai hiếm hoi, Bình Nhưỡng luôn phủ nhận xuất khẩu công nghệ hạt nhân.

Điển hình như tuyên bố năm 2006 của Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên, nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ “cực lực chống lại mối đe dọa đến từ việc chuyển giao công nghệ hạt nhân”.

Thực tế tại những nước đã từng bắt tay với Triều Tiên trước đây cũng đã khác.

Syria rơi vào cuộc nội chiến và không có dấu hiệu cho thấy vũ khí hạt nhân còn là ưu tiên số 1 của họ. Năm 2003, Libya từ bỏ tham vọng hạt nhân nhưng sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đất nước này rơi vào khủng hoảng, chia rẽ và bất ổn.

Iran – đỉnh còn lại trong tam giác Triều Tiên – Iran – Syria, rốt cuộc cũng chọn cách thỏa hiệp với phương tây bằng Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Điều này dẫn tới một suy đoán nguy hiểm khác đến từ Mỹ: Triều Tiên có thể bán công nghệ hạt nhân, tên lửa cho các tổ chức khủng bố. Đó chính xác là điều Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã nêu ra hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Thực tế cho thấy nó vẫn thiếu cơ sở khi phần lớn các bạn hàng vũ khí Triều Tiên từ trước đến nay là các quốc gia – chủ thể của quan hệ quốc tế.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Al KibarBình Nhưỡngcông nghệ hạt nhânLHQLi-6Syriatên lửaTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết