Việc phá vỡ mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), cụ thể là sáp nhập ở một số địa phương có thể nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng quyền lợi người học.

Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Giáo dục 2019: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”.

Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP Ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trung tâm GDTX cấp tỉnh”; “Mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có một trung tâm GDTX cấp huyện”.

Tuy nhiên, hiện nay việc phá vỡ mạng lưới cơ sở GDTX ở một số địa phương.

Cụ thể, tại một số địa phương đã xây dựng đề án gộp các cơ sở của hệ thống GDTX vào các trường Trung cấp hoặc Cao đẳng nghề.

Có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người học?

Mùa tuyển sinh năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai đã tuyển được 3 lớp 10 với 123 học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thế nhưng, với quyết định 2564 của UBND tỉnh Lào Cai có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Sapa đã được thí điểm trở thành một phần của Trường Cao đẳng Lào Cai.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 quy định tại Khoản 2 Điều 105: “Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và GDTX”. Như vậy, Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX, thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT.

Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX, trong khi đó Trường Cao đẳng Lào Cai là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục chính quy. Trung tâm GDNN-GDTX có chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh khác với cơ sở giáo dục chính quy.

Một trong các nhiệm vụ của trung tâm là dạy văn hóa lấy bằng tốt nghiệp THCS – THPT, song nhiệm vụ này không được quy định trong Điều lệ trường Cao đẳng. Việc Trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai sẽ làm cho trung tâm mất đi chức năng dạy văn hóa mà trước nay đang thực hiện. Và nếu không có giải pháp phù hợp được sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT thì nhiều khả năng số học sinh đang học tại đây sẽ khó có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài chức năng dạy văn hóa cho học sinh thì mỗi cơ sở GDTX còn làm nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của mọi người dân. Do vậy khi sáp nhập cơ sở GDTX vào với trường CĐ đồng nghĩa với việc làm mất đi đầu mối trung tâm GDTX cấp huyện, không có cơ sở giáo dục có chức năng thực hiện các chương trình GDTX tại địa bàn cấp huyện.

Ông Dương Quang Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho hay tiền thân của trường là trường trung cấp nghề sáp nhập với Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ.

“Chúng tôi không còn chức năng tổ chức thực hiện chương trình GDTX cho học sinh nữa và cũng không có chức năng để ký học bạ và tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các em”.

Ông Huân cho hay, điều mà nhà trường rất trăn trở và chắc chắn sẽ  gặp khó khăn là khi không được tổ chức dạy văn hóa nữa thì học sinh cũng sẽ không vào học trung cấp nghề.

Lo 'phá vỡ' mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên vì sáp nhập

Ảnh minh họa

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) cho hay, theo Luật Giáo dục 2005, 2009, 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì các trường trung cấp, cao đẳng không được dạy chương trình GDTX cấp THPT.

“Việc dạy chương trình GDTX cấp THPT được giao cho Trung tâm GDTX tổ chức”, bà Tú Anh nói.

Chưa kể, quy chế thi tốt nghiệp THPT nêu rõ, nếu thí sinh không có học bạ ký bởi giám đốc Trung tâm GDTX hoặc hiệu trưởng trường phổ thông thì sẽ không được thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.

“Nếu không thực hiện theo quy chế thì đó là lỗi của địa phương, đơn vị chứ không phải lỗi của Bộ GD-ĐT. Và nếu không làm theo quy chế sẽ thiệt cho người học và Bộ không chịu trách nhiệm thay địa phương”, bà Tú Anh khẳng định.

Trả lời truyền hình Nhân dân, ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nói: “Khi nó phù hợp với nhu cầu của người dân thì những cái gì liên quan về thể chế thì dứt khoát là cấp thẩm quyền nào mình phải báo cáo xin ý kiến của cấp thẩm quyền đó, trong khi chưa rõ mới làm điểm là như vậy. Chọn Sapa là nơi mà nhu cầu đào tạo Nghề ở đó rất lớn. Chúng tôi lấy đó làm điểm để tập trung đào tạo nhân lực cho Sapa sau rồi nhân rộng ra. Mọi thứ vẫn muốn thành lý luận phù hợp phải xuất phát từ thực tiễn, còn nếu như không phù hợp thì chúng tôi điều chỉnh lại vì đó là làm điểm”.

Nhằm giúp các địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDTX, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 943/BGDĐT-GDTX ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm GDTX gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ, trong đó có nội dung hướng dẫn cụ thể: “Không sáp nhập trung tâm GDTX với trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : GDTXmạng lưới cơ sở giáo dụcsát nhập

Các tin liên quan đến bài viết