Một góc khuôn viên nhà máy của Đạm Ninh Bình |
Mặc dù có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ “trả nợ thay” trong khi không đưa ra được phương án để tái cơ cấu hoạt động cho hiệu quả.
Doanh nghiệp không trả nợ, Chính phủ phải trả
Các công văn của Bộ Công Thương và Vinachem đều chủ yếu đề xuất khoanh nợ mà không báo cáo đầy đủ tình hình tài chính của Tập đoàn và Công ty Đạm Ninh Bình. Theo Vinachem, trong 5 năm tới dòng tiền của Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Lợi nhuận trong năm 2016 của công ty sụt giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Công ty cũng chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay, dẫn tới kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỉ đồng. Với tình hình khó khăn, lỗ lũy kế lớn, nên khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình bị hạn chế. Trong khi đó, tình hình tài chính của Vinachem cũng bị ảnh hưởng do các sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn là phân đạm, phân DAP gặp khó khăn. Năm 2016 Vinachem lỗ 895 tỉ đồng, chủ yếu do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp, lãi vay tăng, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả do chỉ tiêu sinh lời năm 2016 sụt giảm. Điều này khiến cho Vinachem gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Bộ Tài chính cho biết, khi trao đổi với China Eximbank thì phía Trung Quốc cho biết không có chính sách hỗ trợ cho dự án sử dụng vốn vay gặp khó khăn.Vì vậy, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ, nên về nguyên tắc khoản vay chỉ được xem xét xử lý khó khăn nếu Chính phủ nước vay gặp khó khăn về tài chính và không thể trả nợ. |
Nguồn: tuoitre.vn