Luật Việc làm đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Mặc dù mới được áp dụng vào cuộc sống hơn 2 năm nhưng một số quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 57 của luật này có quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Người lao động phải chịu thiệt thòi khi thất nghiệp vì không đáp ứng điều kiện “tháng liền kề” quy định trong Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Shyang ta, Khu công nghiệp Chơn Thành đại hội công đoàn (ảnh minh họa) – Ảnh: K.B

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, kết dư quỹ BHTN của cả nước ước đạt 58.668 tỷ đồng. Trong khi đó, do kinh tế thế giới phục hồi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Khó khăn là vậy, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn phải đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN. Điều bất cập ở đây là giữa lúc doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng quỹ BHTN lại không sử dụng hết tiền và kết dư ngày càng lớn. Đây chính là một trong những lý do để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP. Trong nghị quyết này, Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57, Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Ai cũng biết, bản chất của BHTN là nhằm bảo đảm hay bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Cho nên, bên cạnh việc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, BHTN phải tuân thủ đúng nguyên tắc đóng – hưởng để bảo vệ quyền lợi của người tham gia. Nhưng trong thực tế cho thấy, nguyên tắc trên chưa được thực thi triệt để. Nguyên nhân là do sau thời điểm Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hiệu lực, nhiều người lao động không đáp ứng được điều kiện quy định “tháng liền kề” nên bị tước bỏ quyền được hưởng BHTN. Như vậy là chưa sòng phẳng với người lao động và khiến họ bị thiệt hai lần. Bởi lẽ, nếu không tham gia BHTN, theo quy định của Bộ luật Lao động, khi thôi việc, người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc. Nhưng khi tham gia BHTN, họ phải đóng thêm phí BHTN, tuy nhiên khi bị mất việc thì lại không được hưởng chế độ BHTN nếu không đáp ứng điều kiện “tháng liền kề”.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng đó.

Và theo quy định như trên thì trường hợp dưới đây là minh chứng cho sự bất cập trong việc thực thi chính sách BHTN. Ví dụ, ông Nguyễn Văn A vào làm việc tại một công ty từ tháng 2-2008. Tháng 6-2014, khi phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo, ông A nộp đơn xin nghỉ việc để điều trị bệnh. Sau hơn 2 năm điều trị, thấy không còn đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc nên tháng 8-2016, ông A quyết định xin thôi việc. Với trường hợp này, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH của ông A ở thời điểm tháng 6-2014. Như vậy, ông A có 5 năm 5 tháng tham gia BHTN. Song, khi ông A đi làm thủ tục hưởng BHTN thì bị cơ quan chức năng từ chối chi trả, với lý do không đóng đủ BHTN từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thực tế thì từ tháng 6-2014 đến tháng 8-2016, do sức khỏe yếu nên ông A không đi làm và cũng không tiếp tục tham gia BHTN. Nhưng chính vì quy định như trên nên ông A bị thiệt thòi vì không được hưởng tiền đóng BHTN trong suốt 5 năm 5 tháng trước đó. Đây là quy định không công bằng với người lao động và là nguyên nhân dẫn đến quỹ BHTN ngày càng phình to nhưng người lao động lại không được hưởng.

Từ bất cập trên đây, dư luận mong rằng ngành lao động, thương binh và xã hội và các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có đề xuất để cơ quan thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định trên, để Luật Việc làm cũng như các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn 

Từ khóa : bảo hiểmbảo hiểm thất nghiệpĐảnglộ hỗngnhà nước

Các tin liên quan đến bài viết