Các nguồn thạo tin nói, Iran đã dùng hai loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nặng hơn 220kg bay xa hơn 300km để tấn công hai căn cứ của Mỹ và liên quân tại Iraq.

Tạp chí Forbes dẫn thông tin phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Iran ngày 8/1 cho biết, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã nã 15 quả tên lửa đạn đạo đất đối đất vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Ain al-Asad, phía tây Iraq và quanh Erbil thuộc vùng người Kurd kiểm soát tại quốc gia Trung Đông này.

Lộ diện các tên lửa uy lực Iran dùng để tấn công Mỹ

Đợt tấn công đầu tiên bắt đầu lúc 1h30 sáng, đúng vào giờ Mỹ xúc tiến vụ không kích bằng máy bay không người lái trừ khử Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq hôm 3/1.

Truyền thông nhà nước Iran thống kê “ít nhất 80 phần tử khủng bố Mỹ đã bị tiêu diệt” trong các vụ tấn công trả đũa chỉ vài giờ sau lễ an táng ông Soleimani tại tỉnh quê nhà Kerman. Không có tên lửa nào trong số này bị đánh chặn.

Dù xác nhận việc hai căn cứ ở Iraq bị Iran dội “mưa tên lửa”, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định “mọi việc vẫn tốt đẹp” trong một thông điệp đăng tải cùng ngày trên Twitter. Truyền thông quốc gia Iran cáo buộc ông Trump đã cố tình nói giảm mức độ thiệt hại mà Mỹ vừa phải hứng chịu.

Theo Daily Mail, các báo cáo nhận định, IRGC đã sử dụng hai loại tên lửa đạn đạo để “dội lửa” xuống hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Trong đó, đa phần chúng là Fateh-110, một loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn do Iran thiết kế.

Lộ diện các tên lửa uy lực Iran dùng để tấn công Mỹ
Tên lửa Fateh-110

Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 trên nền tảng của tên lửa Zelzal 2 vào năm 1995. Tên lửa này dài 8,86 mét, đường kính 0,61 mét, nặng 3.450 kg và sử dụng động cơ đẩy một tầng, nhiên liệu rắn. Phía trước của tên lửa có 3 cánh hình tam giác và phía sau có 4 cánh để giữ ổn định.

Với tầm bắn dao động trong khoảng 200 – 300km cùng khả năng mang theo đầu đạn nặng 227kg, Fateh-110 có thể phóng đi từ bất kỳ địa điểm nào bằng một trong các hệ thống phóng di động dành cho các tên lửa S-75 Dvina, Zelzal hay Zolfaghar. Chuẩn tướng Amir Hatami, Bộ trưởng Quốc phòng Iran mô tả tên lửa này là “vũ khí chiến thuật có dẫn đường chính xác, nhanh, tàng hình và 100% tự chế trong nước”.

Loại tên lửa thứ hai được Iran dùng để tấn công căn cứ Mỹ là Qiam-1. Đây cũng là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn, nhưng có tầm bắn xa hơn Fateh-110, lên tới 805km và có thể mang theo đầu đạn nặng 340kg.

Lộ diện các tên lửa uy lực Iran dùng để tấn công Mỹ
Tên lửa Qiam-1 chuẩn bị rời bệ phóng.

Qiam-1 được thiết kế dựa trên mẫu tên lửa Scud của Liên Xô. Tên lửa này dài 11,5 mét, đường kính 0,88 mét, nặng 6.155kg và sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng. Qiam-1 được nhìn thấy lần đầu tiên trong video quay một vụ thử nghiệm tháng 8/2010 và được nhà chức trách Iraq chính thức giới thiệu với công chúng vào tháng 10 cùng năm.

Thiết kế không có cánh bên ngoài giúp giảm khối lượng cấu trúc của Qiam-1 và tạo điều kiện tăng tải trọng cho tên lửa. Ngoài ra, do không có cánh và lực cản liên quan, tên lửa có thể phản ứng nhanh hơn với những thay đổi trong quỹ đạo. Theo các nguồn tin quân sự, Qiam-1 cũng được trang bị hệ thống dẫn đường tân tiến, chính xác hơn cùng đầu đạn có khả năng tách rời giúp tăng hiệu quả tấn công mục tiêu.

Lộ diện các tên lửa uy lực Iran dùng để tấn công Mỹ
Lộ diện các tên lửa uy lực Iran dùng để tấn công Mỹ
Các mảnh vỡ của tên lửa Qiam-1 được tìm thấy gần Erbil.

Các nguồn tin Iran tiết lộ, cả hai loại tên lửa trên đều được bắn đi từ các tỉnh Tabriz và Kermanshah thuộc nước này sang bên kia biên giới Iraq.

Giới quan sát lưu ý, các tên lửa đạn đạo của Iran thường được triển khai trên đất của họ, nằm dưới sự quản lý của lực lượng Hàng không vũ trụ thuộc IRGC. Chúng được Tehran coi là các vũ khí có tầm quan trọng về chính trị và chiến lược, chứ không đơn thuần là những loại đạn pháo tầm xa thông thường. Thực tế, trong nhiều năm qua, IRGC đã sử dụng Fateh-110 và Qiam-1 trong các cuộc không kích trả đũa những kẻ thù của Iran khắp Trung Đông.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : IranMỹtên lửa đạn đạovũ khí

Các tin liên quan đến bài viết