Ngành dệt may liên quan đến hơn 1,5 triệu nhân công đang chứng kiến hàng loạt chương trình phục vụ mục tiêu phát triển ngành giai đoạn 2010-2020 gần như đã ‘phá sản’ hoàn toàn.
Từ phát triển cây bông, sản xuất 1 tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu, cho đến phát triển nguồn nhân lực đều chưa thành công.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) – chia sẻ thông tin trên tại hội thảo khoa học để hướng tới xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” do Bộ Công thương tổ chức ngày 14-10.
3 mục tiêu lớn nhất không đạt
Theo bà Thúy, ba mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt từ năm 2008 gần như không thực hiện được.
Cụ thể, chương trình phát triển cây bông mục tiêu đặt ra đến năm 2015-2020 có diện tích từ 30.000-76.000ha nhưng thực tế đạt được chỉ là 12.000ha (năm 2012) và giảm chỉ còn… 1.000ha (năm 2017).
Sản lượng bông xơ đến năm 2017 chỉ đạt hơn 1.000 tấn, trong khi mục tiêu đặt ra từ 20.000-60.0000 tấn. Còn chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may, mục tiêu đào tạo mới đặt ra là 600.000 người, nhưng thực tế chỉ mới đào tạo được khoảng 50.000 người, xấp xỉ 8%.
Riêng chương trình sản xuất 1 tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu không có kinh phí triển khai. Nhưng “mục tiêu 1 tỉ mét vải quá thấp so với nhu cầu thực tế đang cần hơn 10 tỉ mét vải/năm” – bà Thúy nói.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng các doanh nghiệp nếu không giải quyết được bài toán chi phí sản xuất ngày càng tăng, quỹ đất ngày càng hạn chế thì khả năng đưa dệt may tiếp tục trở thành ngành công nghiệp trụ cột mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước sẽ ngày càng tụt lại.
Điểm nghẽn đầu tư dệt nhuộm
Góp ý đến hội thảo, ông Phạm Xuân Trình, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất đối với ngành dệt may lâu nay vẫn chưa được giải quyết triệt để là bế tắc ở khâu đầu tư dệt nhuộm, với vô vàn thủ tục khó khăn, ngặt nghèo mà doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được.
“Có doanh nghiệp xin thủ tục đầu tư ở tỉnh mất ba năm vẫn không xong. Còn yêu cầu doanh nghiệp phải dùng nước thủy cục khi sản xuất, nhưng chỉ cấp 700 m3 nước/ngày trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần từ 2.500-3.000 m3 nước/ngày” – ông Trình nói.
Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thừa nhận “hễ nói đến dệt nhuộm thì rất nhiều địa phương vô cùng quan ngại” vì sợ ô nhiễm.
Hoàn toàn phụ thuộc
Theo nhiều đại biểu tham dự, nếu không có một chiến lược phát triển rõ ràng, phù hợp với xu thế cạnh tranh mặt bằng giá toàn cầu hiện nay thì các ưu điểm từng mang lại lợi thế cho dệt may Việt Nam sẽ không còn.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – phó cục trưởng Cục Công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam làm gia công nên phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu mã, thiết kế của khách hàng.
Nguyên liệu thô, sợi, vải… thì thâm hụt ngày một tăng, đặc biệt thâm hụt thương mại về vải ngày càng trầm trọng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng nếu xác định dệt may tiếp tục là một ngành xuất khẩu chủ lực cùng mục tiêu hình thành mối liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị theo hướng bền vững… thì các giải pháp hướng đến phát triển thị trường – sản phẩm, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm, cũng như phát triển ngành công nghiệp thời trang phải áp dụng được trong thực tế, tránh chỉ nằm trên giấy.
Xuất khẩu nhiều, nhập khẩu cũng lớn
Theo số liệu của Bộ Công thương, chỉ tính riêng năm 2018, toàn ngành dệt may đã nhập khẩu 12,7 tỉ USD vải, khoảng 2,4 tỉ USD sợi, và xuất khẩu hơn 30,6 tỉ USD hàng may mặc.
Nguồn cung cấp vải chủ yếu cho Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, chiếm hơn 54% trong tổng kim ngạch nhập khẩu vải, và không giúp cho Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nguồn: tuoitre.vn