“Có thực mới vực được đạo”, “dĩ thực vi tiên”, ấy thế mà thế giới lại đang lo “đói”. Cái đói đang hiện hữu, thể hiện qua giá lương thực, thực phẩm ở nhiều nước phát triển tăng phi mã. Hàng chục nước đã cấm xuất khẩu lương thực, thực phẩm.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo cái đói sẽ đến với những nước nghèo nếu các quốc gia không hành động. Dù vậy, có hành động, chưa hẳn đã yên tâm!
Từ lâu thế giới đã phân chia lao động, hình thành những trung tâm như thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ), thương mại và tài chính ở London (Anh), Thụy Sĩ, hay những “vựa” lúa gạo, lúa mì của thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Nga, Ukraine…
Sự phân công này, cùng với những lợi thế và thu nhập khủng từ các ngành dịch vụ, sản xuất công nghệ cao khiến cho nhiều nước ghẻ lạnh với sản xuất nông nghiệp thường được xem là khó giàu.
Nhưng cuộc sống đẩy đưa đã dẫn đến sự thật phũ phàng như báo cáo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, trong thập niên qua cư dân tại các nước giàu đã “lọt” vào danh sách nhóm dễ tổn thương hơn trước nghèo đói và thiếu ăn – tình trạng vốn thường gắn với các nước nghèo.
Tại Bắc Mỹ và châu Âu, bất ổn về an ninh lương thực đã tăng lần đầu tiên từ năm 2014. Trong năm 2020, khoảng 8,8% dân số ở hai khu vực này bị thiếu ăn ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng, trong khi năm 2019 là 7,7%.
Còn báo cáo năm 2021 của Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2020, khoảng 1/10 dân số toàn cầu (811 triệu người) bị thiếu ăn, tăng 8,4% so với năm 2019, đe dọa mục tiêu của Chương trình lương thực thế giới (WFP) nhằm chấm dứt nạn đói toàn cầu vào năm 2030.
Tình hình thêm nghiêm trọng do COVID-19 và chiến sự tại Ukraine làm đứt gãy nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có lương thực, đã khiến nhiều nước “tỉnh ngộ”. Con người có lúc đã quên an ninh lương thực, nay vội điều chỉnh.
Trong tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu coi nông nghiệp là một chính sách an ninh trọng yếu của khối bên cạnh an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng. Malaysia nhập khẩu tới 60% lương thực đang đối mặt giá lương thực tăng vọt và truyền thông sôi nổi với “Chúng ta cần những chính sách an ninh lương thực toàn diện”, như trên báo New Straits Times ngày 24-5.
Singapore, vốn mạnh về thương mại, dịch vụ, chỉ dành 1% đất đai cho nông nghiệp, nhập khẩu hơn 90% lương thực nay cũng đặt mục tiêu tự cung cấp 30% lương thực vào năm 2030.
Nhưng dù có trở lại “đi đúng đường”, sự điều chỉnh này cần thời gian mới có thể có được an ninh lương thực. Còn trước mắt, lương thực, thực phẩm giá cao, thiếu hụt sẽ hoành hành, không dễ chịu với mọi người dân.
Việt Nam nhiều năm qua kiên trì với an ninh lương thực và trở thành quốc gia “cùng lo cái ăn cho thế giới”. Và sau này dù có ở trình độ phát triển nào, trở thành nước có thu nhập cao, mục tiêu an ninh lương thực vẫn không thể được coi nhẹ. Bởi chúng ta đã quá hiểu, dù thế nào vẫn phải lo đủ cái ăn cho dân mình và cho thế giới trước đã.
Nguồn: tuoitre.vn