Có điều gì đó khiến bạn quay đầu lại và nhận ra có người đang theo dõi mình. Có thể bạn đã bắt gặp điều này trên một chuyến tàu đông đúc, hoặc khi đang rảo bước qua công viên vào buổi tối.
Nhưng làm sao bạn biết được mình đang bị theo dõi?
Điều này giống như một loại linh cảm không liên quan đến các giác quan của bạn, thế nhưng trên thực tế, nó cho thấy các giác quan của con người, nhất là thị giác, có thể có những chức năng vô cùng bí ẩn.Thường thì khi bạn nhìn vào một thứ gì đó, các thông tin được truyền đến vùng vỏ não chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh, giúp bạn nhận dạng được điều mình đang nhìn thấy, thế nhưng thực tế kỳ quặc hơn thế nhiều. Một khi thông tin rời khỏi mắt của chúng ta, chúng được truyền đi đến ít nhất 10 vùng khác nhau trong não, với những chức năng cụ thể khác nhau. Có lẽ nhiều người không quá xa lạ với vỏ não thị giác, một vùng khá lớn ở phía sau não, nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất từ các nhà khoa học thần kinh. Vùng vỏ não thị giác có thể xử lý những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy, từ màu sắc cho tới các chi tiết, giúp ta nhận thức được một cách đầy đủ về thế giới đầy màu sắc quanh mình. Thế nhưng những vùng khác trong não của chúng ta cũng xử lý các mảnh thông tin khác nhau, và đây là những nơi có khả năng tiếp tục làm các nhiệm vụ mà ta không ý thức được. Những ca sống sót từ các vụ chấn thương thần kinh có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cơ chế này.
Khi một vụ tai nạn làm tổn thương vùng vỏ não thị giác, thị giác của nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng. Nếu vùng vỏ não thị giác bị hỏng hoàn toàn, bạn sẽ mất khả năng nhận biết hình ảnh, điều mà các nhà khoa học thần kinh gọi là “mù vỏ não”. Thế nhưng, không giống như việc bị mất đôi mắt, những người bị mù vỏ não không mù toàn phần – những vùng thị giác phi vỏ não vẫn tiếp tục hoạt động. Mặc dù bạn không thể ý thức được về hình ảnh mắt nhìn thấy mà không có vỏ não thị giác, bạn vẫn có thể phản hồi trước tất cả những gì mắt nhận biết và chuyển sang các vùng khác trên não.
Vào năm 1974, một nhà nghiên cứu có tên Larry Weiskrantz đã dùng thuật ngữ “thị lực mù” để gọi hiện tượng những bệnh nhân bị khiếm thị do hỏng vùng vỏ não thị giác nhưng vẫn có khả năng phản hồi trước những tín hiệu về hình ảnh.
Những người “nhìn thấy trong mù lòa”
Các bệnh nhân này không thể đọc sách, xem phim hoặc bất cứ những hoạt động nào yêu cầu việc xử lý hình ảnh. Thế nhưng họ có khả năng nhận dạng ánh sáng trước mặt với độ chính xác tương đối. Và mặc dù không thể nhìn thấy bất cứ gì, họ có khả năng “phán đoán” khá tốt. Các vùng khác ở não có khả năng nhận dạng ánh sáng và cung cấp thông tin về toạ độ, bất chấp sự thiếu vắng của vỏ não thị giác. Một số nghiên cứu khác cho thấy nhiều bệnh nhân khiếm thị còn có khả năng nhận biết chuyển động hoặc cảm xúc trên khuôn mặt người khác.
Gần đây, một nghiên cứu gây chấn động đối với một bệnh nhân có thị lực mù đã cho thấy cách mà con người có thể cảm nhận khi mình bị theo dõi, dù không nhìn thấy mặt người khác.
Alan J Pegna từ Bệnh viện Đại học Geneva, Thuỵ Sỹ, cùng với nhóm cộng sự đã làm việc với một người đàn ông ẩn danh được biết đến dưới cái tên TD.TD, một cựu bác sỹ, đã mất vỏ não thị giác sau một cơn đột quy. Điều này khiến ông bị mù vỏ não.
Những người bị mắc hội chứng này rất hiếm, vì vậy TD đã tham gia một loạt thử nghiệm để nghiên cứu liệu người ta có thể và không thể làm những gì khi không có vỏ não thị giác. Nghiên cứu này bao gồm việc cho người tham gia xem những bức hình chân dung có các đôi mắt nhìn trực diện hoặc không trực diện vào họ. TD đã thực hiện nhiệm vụ này trong một máy quét fMRI, vốn có khả năng đo hoạt động não trong lúc ông xem ảnh.
Tất nhiên là đối với những người có thị giác bình thường, nhiệm vụ này không có gì đặc biệt – họ sẽ có khả năng ghi nhận từng chi tiết trên các khuôn mặt trong hình. Thế nhưng TD lại không có khả năng đó.
Kết quả từ máy quét cho thấy não của chúng ta có thể cảm nhận được những điều mà chúng ta không ý thức được. Một vùng trên não gọi là amygdala, có khả năng xử lý cảm xúc và các thông tin trên khuôn mặt, trở nên năng động hơn khi TD nhìn vào các khuôn mặt có mắt nhìn trực diện vào ông so với những tấm hình có mắt không nhìn trực diện. Khi người khác nhìn TD, vùng amygdala của ông cũng phản ứng, mặc dù ông không biết điều này.
Nếu bạn muốn nhận dạng khuôn mặt, xem phim hoặc đọc báo, bạn vẫn phải phụ thuộc vào vỏ não thị giác. Thế nhưng những nghiên cứu như trên cho thấy một số chức năng đơn giản và quan trọng hơn đối với sự sinh tồn của con người hoàn toàn không phụ thuộc vào khả năng nhận biết hình ảnh một cách có ý thức.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chúng ta có thể phát hiện những người đang nhìn mình trong phạm vi tầm nhìn – có lẽ là ở góc mắt – ngay cả khi chúng ta không ý thức được về họ. Điều này cho thấy não của chúng ta đang thông báo rằng mình đang bị theo dõi. Vì vậy, vào một lúc nào đó, khi bạn đang đi trên một con đường tối hay đi trên tàu và bất chợt nhìn lại, thấy có người đang nhìn mình chằm chằm, đó có lẽ là hệ thống nhận biết hình ảnh một cách vô thức của bạn đang quan sát môi trường xung quanh, trong lúc bạn đang bận tập trung vào thứ khác. Nó có thể không phải là hiện tượng siêu nhiên, nhưng nó cho thấy não bộ có những chức năng vô cùng kỳ bí.