Thực trạng học sinh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra đánh nhau, tung clip lên mạng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, đến mức cảnh báo.
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh TT-Huế, Quảng Trị…xuất hiện hàng loạt vụ học sinh đánh nhau. Điều đáng nói, những vụ việc này chủ yếu xuất hiện ngoài khuôn viên trường học – nơi thiếu sự giám sát của môi trường giáo dục.
Nữ sinh lớp 10 ở TT-Huế bị bạn đánh chấn động não. |
Điều đáng nói, hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.
Chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục (Trường ĐHSP – Đại học Huế) cho rằng, bạo lực học đường là một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính, trong đó hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đếm cảm giác tuyệt vọng và hẫng hụt, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói (đe dọa, chỉ trích, vu khống), hành vi (lăng nhục, đánh đập) và thái độ (ánh mắt thù địch).
Theo TS Hùng, tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ngày càng gia tăng về tính chất, mức độ không chỉ đối giữa cá nhân với cá nhân mà còn là một nhóm đối với cá nhân, bạo lực học đường không chỉ diễn ra với học sinh nam mà còn diễn ra đối với các học sinh nữ.
Đặc biệt, có trình trạng nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực học đường nhưng lại không can thiệp mà còn cổ xuý, hô hào, quay video và đưa lên mạng.
Ông Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực họ đường gia tăng, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan nằm trong chính quá trình phát triển tâm sinh lý của các em. Giai đoạn phát triển dậy thì có sự thay đổi nhanh mạnh về mặt thể chất nhưng không cân đối do đó trong tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc là bốc đồng và không kiểm soát được hành vi bản thân.
Việc này khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động và đặc biệt là không biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, thiếu kỹ năng trong cách giải quyết các xung đột xảy ra trong cuộc sống.
Nguyên nhân khách quan được nhìn từ nhiều góc độ, trong đó có góc độ gia đình, xã hội và nhà trường.
TS Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục, Trường ĐHSP Huế. |
Từ góc độ gia đình, học sinh ít nhận được sư phạm tâm của bố mẹ, hoặc luôn chịu những áp lức đặt ra từ bố mẹ, hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình, thường xuyên bị ông bà, bố mẹ, anh chị em la mắng, đánh đập hay chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình.
Từ đó, tác động tiêu cực và thúc đẩy gia tăng hành vi hung tính cho học sinh.
Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội.
Môi trường như vậy đã tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân của học sinh. Đặc biệt, cơ chế quản lý và giám sát, cũng như xử lý chưa kịp thời và triệt để các vụ bạo lực học đường cũng là những nguyên nhân tác động không nhỏ đến sư gia tăng trình trạng này.
Ở góc độ nhà trường, học sinh phải “gồng gánh” nội dung chương trình nhiều khi còn nặng trang bị kiến thức, thiếu các bài học trải nghiệm, thiếu các hoạt động chia sẻ, gắn kết, thiếu các câu lạc bộ phù hợp với sở thích và đặc thù.
Đặc biệt, các trường còn thiếu các phòng tư vấn tâm lý hoặc có phòng tư vấn nhưng lại chưa có các chuyên gia được đào tạo bài bản về tham vấn và tư vấn tâm lý.
“Nếu để tình trạng bạo lực học đường tiếp tục gia tăng sẽ kéo theo một hệ luỵ cản trở đến quá trình phát triển nhân cách của các em học sinh cũng như hình ảnh của nhà trường và tạo ra sự lo lắng của toàn xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục Trường ĐHSP Huế, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua đã để lại những hậu quả nặng nền gia đình, nhà trường, xã hội và trực tiếp là các em học sinh.
Theo đó, sau mỗi sự việc xảy ra, những em bị bạo hành có thể bị ảnh hưởng nặng nề về mặt thể chất, thân thể bị trầy xước, chảy máu, gãy tay, chân, chấn thương não.
Lâu dài, các em có thể bị sang chấn tâm lý từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, dẫn đến hiện tượng lo âu, mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, sợ sệt…không muốn tiếp xúc với người khác, sợ tới trường, sợ gặp người lạ.
Chỉ vì làm gãy biển số xe, một học sinh lớp 7 ở Quảng Trị bị 2 học sinh lớp 8 đánh nhập viện. |
Đối với các em gây ra bạo lực hay chứng kiến vụ việc, lúc đầu thì chưa nghĩ được hậu quả hành vi của mình gây ra nhưng khi nhận ra hậu quả, các em cũng sống trong lo sợ, bị bố mẹ la mắng, bị nhà trường kỷ luật, có thể bị pháp luật can thiệp, phải đền bù về vật chất cũng như tổn hại về mặt tinh thần.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển, tư duy cũng như hình thành tính cách của các em sau này.
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng – lứa tuổi học sinh trung học được xem là lứa tuổi “nổi loạn”, việc hình thành, phát triển nhân cách gắn liền với những thay đổi lớn trong tâm sinh lý của các em học sinh.
Vì vậy, để giải quyết được bạo lực học đường cần có sự chung tay của cả cộng đồng, sự gắn kết giữa giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và xã hội.
Gia đình cần quan tâm, chia sẻ nhiều hơn đối với các em, phải nắm bắt được đặc điểm phát triển tâm sinh lý của con mình, phải sử dụng phương pháp giáo dục tích cực, xây dựng môi trường giáo dục gia đình với tình yêu thương, chia sẻ.
Đối với nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, tạo cho các em nhiều sân chơi, nhiều hoạt động lành mạnh, ý nghĩ và phù hợp với đặc thù lứa tuổi.
Nhà trường và gia đình cần thiết lập nhiều kênh thông tin để thường xuyên liên hệ, trao đổi, nắm bắt kịp thời các trạng thái biểu hiện tâm sinh lý của học sinh để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Kỷ luật nghiêm các trường hợp bạo lực học đường nhưng vẫn bảo đảo được nguyên tắc giáo dục”, TS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet