Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-12), Công an TP HCM đã bắt và truy nã 3 giám đốc công ty bất động sản vì kiểu kiếm tiền bất chấp luật pháp
Trong 3 giám đốc lừa đảo trên, 2 người bị bắt tạm giam là Trương Tuấn Em, Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Eagle Land (viết tắt là Công ty Eagle Land) và Trịnh Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư KingLand (viết tắt là Công ty KingLand; có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM); người còn lại bị truy nã là Trịnh Minh Thanh – tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (viết tắt là Công ty Khang Gia; trụ sở tại 103 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP HCM).
Bất chấp tù tội
Trong 3 vị giám đốc lừa trên, liều nhất có lẽ là Trịnh Minh Thanh. Theo cơ quan công an, Công ty Khang Gia là chủ đầu tư chung cư Khang Gia Chánh Hưng tại số 59 đường 16, quận 8. Trịnh Minh Thanh với vai trò đứng đầu công ty đã bán căn hộ số 12B tầng 5 không có thật để chiếm đoạt trên 1,5 tỉ đồng; cùng căn hộ số 10 tầng 7, sau khi bán cho bà Lê Thị Xuân Hà, Công ty Khang Gia tiếp tục bán cho ông Phan Nhất Hải, chiếm đoạt số tiền 984 triệu đồng. Ngoài ra, Công an TP HCM còn tiếp nhận nhiều đơn thư của các cá nhân tố cáo Công ty Khang Gia về hành vi cùng một căn hộ bán cho nhiều người, bán căn hộ ki-ốt thuộc diện tích xây dựng trái phép tại các chung cư do công ty làm chủ đầu tư như: chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP HCM), chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp, TP HCM).
Chung cư Khang Gia Chánh Hưng (quận 8, TP HCM) – nơi giám đốc Công ty Khang Gia lừa bán 1 căn hộ cho nhiều người Ảnh: LÊ PHONG
Với “giám đốc lừa” Trương Tuấn Em, công an bước đầu xác định giữa năm 2018, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy (SN 1983, Giám đốc Công ty Tiên Phong Land, đã bị công an tạm giữ) cùng ông Vũ Tiến Hường thỏa thuận đặt cọc khu đất 2.462 m2 ở phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM. Sau đó, mặc dù chưa hoàn thành chuyển nhượng nhưng Thúy đã liên hệ Trương Tuấn Em để lập bản vẽ phân lô khu đất trên thành 29 nền đất với tên gọi “khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, quận 9” rồi rao bán. Khi có khách hàng liên hệ, nhân viên Công ty Eagle Land giới thiệu với khách hàng rằng công ty đang thực hiện dự án trên và sẽ sang tên chuyển nhượng đất cho người mua trong vòng 3 tháng. Khi khách hàng nộp tiền cọc thì nhân viên Công ty Eagle Land nhận, rồi giao lại cho Thúy. Tổng cộng, 22 khách hàng đã bị chiếm đoạt hơn 41,5 tỉ đồng.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đơn tố cáo của 44 nạn nhân, Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt giam Trịnh Quốc Hưng điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hưng đã sử dụng chiêu ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng hợp tác đầu tư của dự án khu nhà ở Định An (KingLand Home City 5) tại ấp Đồng Sến (xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho nhiều khách hàng. Tuy nhiên, sau đó, Công ty KingLand không thực hiện được việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án mà tiến hành thanh lý hợp đồng nhưng không hoàn trả lại số tiền đã nhận của 44 cá nhân. Sau khi thu tiền, Hưng đã lẩn tránh, không thực hiện cam kết với khách hàng để chiếm đoạt 9,9 tỉ đồng.
Mong công an làm sáng tỏ
Hay tin giám đốc Công ty Khang Gia bị truy nã, bà Trần Thị Kim Liên nói bà chỉ mong sớm lấy lại số tiền hơn 1,5 tỉ đồng bị lừa khi mua căn hộ tại chung cư Khang Gia Chánh Hưng (quận 8, TP HCM). Bà kể 2 năm trước bà mua 1 căn hộ ở tầng 5 với mã số 12B nhưng khi đến xem thì phát hiện căn hộ không có thật. “Trước khi gửi đơn tố cáo đến công an, tôi nhiều lần được đại diện công ty thuyết phục không nên làm lớn chuyện, cứ để công ty tìm nguồn tiền để có thể trả lại. Do không muốn có thêm nạn nhân giống mình nên tôi quyết định phơi bày sự thật” – bà Liên nói.
Một nạn nhân khác của Công ty Khang Gia là ông T. kể giữa năm 2017, ông được một người đàn ông tên Lê Đình Nghĩa giới thiệu mua 2 căn hộ chung cư ở tầng 1 và tầng 3 thuộc dự án Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP HCM) do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư. Sau đó, ông T. đã ký hợp đồng và thanh toán 1 tỉ đồng cho Nghĩa tại Công ty Khang Gia. “Do chưa có nhu cầu sử dụng nên tôi khóa cửa, để trống 2 căn hộ này. Tuy nhiên, 3 tháng sau quay lại kiểm tra thì phát hiện có người dọn vào ở trong 2 căn hộ của mình nên tôi tức tốc xuống ban quản lý chung cư hỏi” – ông T. trình bày.
Công ty Eagle Land vẽ ra dự án “ma” với tên gọi “khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, quận 9”. Ảnh: LÊ PHONG
Tại đây, ông tá hỏa khi được biết mã số 2 căn hộ trên hợp đồng ông mua bán với Nghĩa là không có thật. Khi ông T. liên lạc, Nghĩa thừa nhận 2 căn hộ bán cho ông thực chất đã được Công ty Khang Gia bán cho người khác từ trước đó. “Giờ chỉ mong công an làm sáng tỏ để tôi có thể thu hồi được phần nào số tiền đã bỏ ra” – ông T. hy vọng.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 8 công ty môi giới và công ty bất động sản bị cơ quan chức năng điều tra. Ngoài ra, hiện còn 12 công ty đang trong “tầm ngắm”. |
Trong khi đó, chị H. vừa dẫn chúng tôi đến khu đất có diện tích khoảng 2.400 m2 được Công ty Eagle Land vẽ ra dự án “ma” với tên gọi “khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, quận 9” vừa nói “tôi bị lừa vì thấy họ tiến hành chẳng khác gì một dự án rất khả thi”. Quả thật, qua quan sát, ngoài hình ảnh cỏ mọc cao hơn đầu người do bỏ không thì nhìn toàn cảnh dự án “ma” này là một dự án đầy tiềm năng với tường rào chắc chắn bên ngoài, còn bên trong được đổ nền, thảm nhựa và đặt ống cống rất bài bản. Nhiều người sống lân cận dự án “ma” cho hay trước kia khu đất này là ao cá. “Năm 2018, nhóm nhân công đến cắm bảng và thi công một cách khẩn trương và khi đó, cư dân chúng tôi nghĩ rồi nơi đây sẽ mọc lên một khu dân cư khang trang. Ai ngờ” – ông Kh., một cư dân sống cạnh dự án “ma”, cho hay.
Ngăn ngừa bằng cách nào?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, việc Công an TP HCM đã liên tục khởi tố và bắt giam các giám đốc công ty bất động sản cho thấy có không ít con sâu trong lĩnh vực này. “Dù báo chí và cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa tin cảnh báo về các dự án “ma” nhưng vẫn có nhiều khách hàng bị sập bẫy. Điều này cho thấy đã có những khách hàng ít quan tâm, không đọc kỹ tin tức và chủ quan, nhất là những khách hàng có sẵn tiền rồi nghe lời dụ dỗ của môi giới mà quên mất việc tiên quyết là tìm hiểu thật kỹ thông tin từ cơ quan chuyên môn trước khi giao dịch” – ông Châu đúc kết.
Ngoài sự chủ quan của khách hàng, pháp luật còn kẽ hở, theo ông Châu, một phần lỗi cũng thuộc về địa phương, đó là chưa thực sự bám sát địa bàn. “Qua việc này, ngoài việc cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân, chính quyền địa phương khi phát hiện có dấu hiệu phân lô, bán nền trái quy định cần liên hệ các cơ quan báo chí để thông tin sớm” – ông Châu đề nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, từng nhấn mạnh quan trọng nhất là địa phương phải siết chặt quản lý, chỉ cần thấy đối tượng đóng cọc, căng dây hoặc đổ đất phải ngăn chặn, xử lý ngay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại quy định tách thửa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không tạo điều kiện cho đối tượng môi giới, “cò” đất trục lợi.
Không ít đại diện của các công ty luật cho rằng hầu hết khách hàng sau khi bị các công ty bất động sản lừa đảo đều rơi vào tình cảnh mất toàn bộ tiền do các đối tượng này thừa nhận không đủ tiền khắc phục. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án. Đặc biệt, khách hàng luôn nhớ rằng những công ty làm ăn tốt thường chứng minh bằng pháp lý còn những công ty mập mờ bằng lời hứa hẹn thời gian.
Cảnh báo lừa ở “dự án Lê Minh Bộ Công an” UBND phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP HCM) đã phát đi thông báo đến người dân để cảnh giác việc lừa đảo mua bán căn hộ. Theo UBND phường này, thời gian gần đây có thông tin về một sàn giao dịch bất động sản giới thiệu đến khách hàng có nội dung là dự án “căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh Bộ Công an, quận 12”. Dự án này được giới thiệu tọa lạc tại đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất. Tuy nhiên, qua rà soát, UBND phường Tân Thới Nhất khẳng định đến nay không có dự án bất động sản nào của Công ty Lê Minh được triển khai trên địa bàn. |
Ph.Dũng /Theo Người Lao động