Những vụ cướp với tính chất gây án nguy hiểm liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Bình Dương, TP.HCM… dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán.
Dùng súng cướp ngân hàng ở Hải Phòng
Những ngày đầu năm 2022, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ cướp ngân hàng táo tợn tại TP Hải Phòng.
Nghi phạm là Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Là thợ xăm hình nghệ thuật nhưng thường xuyên nghỉ vì dịch bệnh, Nam nảy sinh ý định cướp ngân hàng để kiếm tiền tiêu xài.
15h ngày 7/1, Nam cầm theo khẩu súng bắn đạn chì đến Phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An để thực hiện vụ cướp.
Nghi phạm Nguyễn Văn Nam cầm vật giống súng uy hiếp nhân viên ngân hàng |
Tại đây, Nam uy hiếp bảo vệ, khống chế giao dịch viên và cướp số tiền hơn 3 tỷ đồng, rồi bỏ trốn.
Chưa đầy 48 tiếng sau, Công an TP Hải Phòng phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an truy bắt thành công đối tượng tại tỉnh Thái Nguyên. Quá trình bị bắt, Nam còn dùng súng để chống trả. Khám xét trên người và chỗ ở của đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 2 khẩu súng, 40 viên đạn và 1,2 tỷ đồng.
Xịt hơi cay, trói chủ nhà cướp điện thoại ở Hà Nội
Mới đây, Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội điều tra vụ cướp tài sản xảy ra vào chiều 8/1 trên địa bàn quận.
Theo thông tin ban đầu, vụ cướp xảy ra tại căn hộ của anh Thắng (25 tuổi, tên nạn nhân đã được thay đổi) thuộc tòa chung cư HH1A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt. Trước khi xảy ra vụ việc, anh Thắng rao bán chiếc điện thoại trên mạng xã hội và có một người gọi đến để xem điện thoại.
Khoảng 17h ngày 8/1, có ba thanh niên tìm đến căn hộ của anh Thắng xem điện thoại. Trong lúc đó, bất ngờ anh Thắng bị nhóm người này dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt rồi dùng dây trói tay, chân. Trước khi bỏ đi, các nghi phạm lục lọi, lấy ba chiếc điện thoại.
Cầm bọc nổ giả cướp ngân hàng ở Bình Dương
Trước đó, hồi cuối năm dương lịch, vào ngày 28/12, Trần Văn Hùng (31 tuổi, ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng) đeo khẩu trang, vào chi nhánh ngân hàng BIDV ở huyện Bàu Bàng, rút vật nghi súng và quả nổ đe doạ các nhân viên.
Tại đây, Hùng đã cướp đi 450 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện, Hùng cởi áo khoác, đem giấu số tiền vừa cướp.
Nghi phạm Trần Văn Hùng và hiện trường xảy ra vụ cướp |
Các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh Bình Dương nhanh chóng phối hợp với Công an huyện Bàu Bàng tổ chức khám nghiệm hiện trường, truy bắt đối tượng gây án. Chỉ vài tiếng sau, Hùng bị lực lượng cảnh sát bắt giữ khi đang lẩn trốn tại địa phương.
Hùng khai nhận đã dùng súng giả để thực hiện vụ cướp. Sau khi lấy được tiền, đối tượng này vứt khẩu súng giả gần hiện trường rồi lên xe máy tẩu thoát.
Chuyên gia khuyến cáo cảnh giác tội phạm cướp
Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an chiều 10/1 cho VietNamNet biết, trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tội phạm có xu hướng gia tăng và có yếu tố phức tạp.
Trong đó, tội phạm xâm phạm sở hữu với hình thức như cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện nhiều. Nguyên nhân được xác định là vào dịp cuối năm, nhu cầu tài chính như mua sắm, thăm thân, chỉnh trang nhà cửa tăng cao, tội phạm cũng không nằm ngoài nhu cầu trên.
Trung tá Đào Trung Hiếu. |
Tuy nhiên, theo Trung tá Đào Trung Hiếu, điểm khác biệt lớn nhất của tội phạm là các đối tượng chỉ có cách chiếm đoạt của người khác. Trong năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tình hình chung gặp khó khăn, đây là một trong những lý do khiến một số đối tượng “bần cung sinh đạo tặc”.
Các chủ thể mà đối tượng cướp hướng đến là những người lái xe ôm, taxi hoặc các địa điểm có giá trị tài sản lớn như ngân hàng, tiệm vàng. Tội phạm cướp thường sử dụng các hành vi bạo lực, hoặc dùng thủ đoạn mà người có tài sản không thể kháng cự. Không chỉ xâm phạm sở hữu mà còn xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trước thực tế này, ông Hiếu khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo nhận ra các dấu hiệu của tội phạm và siết chặt công tác bảo đảm an ninh.
Cụ thể, theo ông Hiếu, những người làm nghề lái xe cần thận trọng, để ý các biểu hiện của khách sử dụng dịch vụ. Ví dụ, nhận dạng về người có biểu hiện nghiện ma túy, hoặc đặt xe đến vị trí lạ, vắng người. Đáng chú ý, trong quá trình di chuyển, tội phạm thường thay đổi lịch trình để chọn thời điểm phù hợp gây án.
Còn với những người đi làm về muộn phải thận trọng khi qua khu vực vắng, hạn chế ra ngoài. Khi có việc bắt buộc phải ra đường thì cố gắng gọi người đi cùng để tăng tính an toàn. Các ngân hàng, tiệm vàng cần tăng cường an ninh, tham gia giám sát, đồng thời tổ chức diễn tập cho nhân viên về các tình huống khi xảy ra cướp.
Đáng chú ý, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, trong trường hợp bị cướp uy hiếp, điều đầu tiên phải chú ý nhất là sức khỏe, tính mạng của bản thân. Vì tài sản mất có thể tìm lại được hoặc có lực lượng công an vào cuộc truy tìm.
Nguồn: vietnamnet