Đây là thực trạng nhức nhối và không ít tai biến chết người liên quan các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM.

Một vụ tai biến nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ đang được các bác sĩ tại TP.HCM xử trí - Ảnh: T.D.

Một vụ tai biến nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ đang được các bác sĩ tại TP.HCM xử trí 

Ngày 13-7, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa tổ chức cuộc họp liên ngành bàn về giải pháp thanh tra, kiểm tra và xử phạt các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM.

Cuộc họp này, theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, gồm có đại diện Công an TP.HCM, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Thông tin – Truyền thông và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Vi phạm quá 2 lần sẽ bị tước đăng ký kinh doanh

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Trong đó, đại diện các địa phương (bao gồm phòng y tế và UBND quận, huyện) lý giải những khó khăn và hạn chế về nhân lực kiểm tra, giám sát.

Điều này dẫn tới một thực tế lâu nay thường hay xảy ra là khi lực lượng chức năng đến thì các chủ cơ sở khóa cửa hoặc thậm chí “vườn không nhà trống”. Do đó, các địa phương kiến nghị phải công khai các cơ sở vi phạm bị xử phạt bằng nhiều hình thức để răn đe.

Đồng thời, các cơ quan cần thực hiện nghiêm nghị định 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và quyết định do UBND TP.HCM ban hành năm 2018, về quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (PC06), Công an TP.HCM đề ra các giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, đặc biệt tại địa phương như công an phường và phòng y tế.

Trong đó đặc biệt đưa ra quy định việc các cơ sở phun xăm, xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ phải cam kết đảm bảo an ninh trật tự. Nếu vi phạm quá hai lần sẽ bị tước đăng ký kinh doanh.

Thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi

Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 11-7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết trên địa bàn TP.HCM có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở).

Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh – hộ kinh doanh hoặc công ty). Theo quy định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.

Điều này theo người đứng đầu ngành y tế TP.HCM đã tạo ra ba thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trái phép trên địa bàn.

Cụ thể là tình trạng quảng cáo không đúng, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm, cùng hoạt động thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, hoạt động này đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Quy chế phối hợpSở kế hoạch đầu tư

Các tin liên quan đến bài viết