Các chuyên gia cho rằng, việc số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày ở Mỹ đang tăng trở lại sau nhiều tháng giảm bắt nguồn từ một số nguyên nhân, bao gồm cả việc giảm tốc tiêm chủng.
Dữ liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Mỹ hôm 13/7 đã tăng lên trung bình khoảng 23.600 người/ngày, hơn gấp đôi từ mức 11.300 người/ngày ghi nhận hôm 23/6. Ngoại trừ Maine và Nam Dakota, 48 tiểu bang còn lại ở xứ sở cờ hoa đều thông báo gia tăng ca mắc Covid-19 trong 2 tuần trở lại đây.
Đám đông người không đeo khẩu trang, tụ tập bên trong một quán bar ở hạt Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ để ăn mừng ngày Quốc khánh 4/7. |
Theo tiến sĩ Bill Powderly, đồng giám đốc Khoa các bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y, Đại học Washington, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các đám đông tụ tập ăn mừng ngày Quốc khánh 4/7 dịp cuối tuần, điều đã được các chuyên gia dự đoán trước.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực của Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng chống đối tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh biến thể Delta phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh hơn đang gây ra phần lớn số ca bệnh tại nước này.
AP trích dẫn báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tính trên toàn quốc, 55,6% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. 5 bang tăng cao nhất số ca mắc mới trong 2 tuần trở lại đây đều có tỷ lệ tiêm chủng đại trà thấp hơn mức trung bình cả nước là Missouri 45,9%, Arkansas 43%, Nevada 50,9%, Louisiana 39,2% và Utah 49,5%.
Để ứng phó, nhà chức trách y tế ở nhiều nơi, ví dụ như tại hạt Los Angeles và St. Louis đang kêu gọi người dân, kể cả những người đã được chủng ngừa đầy đủ đeo khẩu ở nơi công cộng. Các quan chức Chicago hôm 13/7 tuyên bố, những người chưa tiêm phòng từ các tiểu bang Missouri và Arkansas muốn đến thành phố hoặc sẽ phải tự cách ly 10 ngày hoặc phải có xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, Sở y tế Mississippi, tiểu bang xếp cuối toàn quốc về chiến dịch tiêm chủng, đã bắt đầu chặn các bài đăng về Covid-19 trên trang Facebook của họ vì “sự gia tăng thông tin sai lệch” về virus và vắc xin. Nhà chức trách cũng đề xuất, những người từ 65 tuổi trở lên và những người mắc các bệnh mạn tính nên tránh xa các cuộc tụ họp đông người trong không gian đóng kín, giữa lúc số trường hợp phải nhập viện điều trị đã tăng 150% trong 3 tuần qua.
Tại Louisiana, tiểu bang cũng có tỷ lệ tiêm chủng xếp vào hàng thấp nhất cả nước, giới chức thành phố New Orleans cho hay, họ nhiều khả năng sẽ kéo dài các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm virus tại các sự kiện thể thao và giải trí quy tụ đông người, kể cả bắt buộc người tham dự đeo khẩu trang hoặc phải tiêm chủng hay có xét nghiệm Covid-19, cho tới tận mùa thu. Các quan chức y tế của tiểu bang tin, tình trạng gia tăng ca mắc chủ yếu do những người chưa tiêm chủng.
Mặc dù chính phủ liên bang đã thành công trong việc tiêm phòng cho những người dân lớn tuổi hơn, nhưng chiến dịch chủng ngừa quốc gia đang chững lại do các công dân trẻ tuổi tỏ ra hờ hững với việc tiêm vắc xin. Tổng thống Joe Biden đang trông cậy các ngôi sao giải trí có thể hỗ trợ chính quyền thúc đẩy nỗ lực chủng ngừa cho giới trẻ. Lãnh đạo Nhà Trắng cùng tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu cho chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 dự kiến sẽ gặp ca sĩ, diễn viên kiêm nhạc sĩ Olivia Rodrigo, 18 tuổi để bàn về vấn đề này trong ngày 14/7.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch trên thế giới với hơn 34,8 triệu ca mắc, trong đó 623.435 trường hợp đã tử vong.
Nguồn: vietnamnet