Covid-19 khiến nhiều đơn vị kinh doanh trên toàn thế giới phải đóng cửa và các quốc gia phải phong tỏa, từ đó cắt đứt các chuỗi cung ứng và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
“Đến hiện tại thì các kệ siêu thị vẫn đang có đầy đủ hàng hóa”, CNN dẫn báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố hồi cuối tháng 3. “Nhưng một cuộc khủng hoảng kéo dài do đại dịch sẽ nhanh chóng gây áp lực lên chuỗi cung ứng thực phẩm, một mạng lưới phức tạp bao gồm các trang trại, các đầu vào nông nghiệp, các nhà máy xử lý, vận tải, bán lẻ và nhiều hơn nữa”.
Vấn đề không nằm ở việc khan hiếm thực phẩm, mà ở chỗ các biện pháp cứng rắn mà thế giới đang áp dụng để đối phó với sự lây lan của virus. Đóng cửa biên giới, giới hạn di chuyển, và những sự gián đoạn trong các ngành vận tải và hàng không đang khiến việc sản xuất thực phẩm và vận chuyển hàng hóa quốc tế trở nên khó khăn hơn, khiến các quốc gia với ít nguồn thực phẩm thay thế rơi vào rủi ro.
Đại diện của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) giúp cung cấp khẩu trang và găng tay đến các bếp ăn phân phát thực phẩm cho người nghèo tại Cộng hòa Dominica |
Nhiều kiện hàng chứa thực phẩm, thuốc men, và các sản phẩm khác bị kẹt lại trên các bãi đỗ và kho chứa – Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển hôm 25/3 cho biết.
Mất ổn định gia tăng trong nguồn cung thực phẩm toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng nặng nề nhất lên người nghèo – Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới (CFS) cho biết trong một nghiên cứu vào tháng trước. Ngay cả các công ty và tổ chức tư nhân cũng đang kêu gọi thực hiện các hành động tức thời để ngăn chặn khả năng một thảm họa lương thực toàn cầu xảy ra.
“Các chính phủ, đơn vị kinh doanh, xã hội dân sự và các cơ quan quốc tế cần phải thực hiện các hành động khẩn cấp và phối hợp cùng nhau để ngăn chặn đại dịch Covid trở thành một cuộc khủng hoảng lương thực và nhân đạo toàn cầu”, một lá thư mở gửi đến các nguyên thủ quốc gia từ các nhà khoa học, chính trị gia và nhiều tập đoàn lớn như Nestle và Unilever cho biết.
Liên Hợp Quốc hiện đang kêu gọi các quốc gia bị ảnh hưởng phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong nước, cũng như hợp tác trên mức độ quốc tế để bảo vệ nguồn cung lương thực.
Các chính phủ có thể bảo vệ công dân của mình bằng cách huy động các ngân hàng thực phẩm, chuyển tiền mặt trợ cấp cho các hộ gia đình có rủi ro cao, thiết lập các kho dự trữ thực phẩm khẩn cấp, và thực hiện các bước đi nhằm bảo vệ người làm nông nghiệp – FAO cho biết.
Hợp tác quốc tế và thương mại tự do toàn cầu cũng là các yếu tố thiết yếu. Các chính phủ nên loại bỏ các giới hạn và các mức thuế xuất nhập khẩu trong thời gian này – báo cáo cho biết thêm. Các quốc gia nghèo hơn không đủ khả năng để cung cấp các gói kích thích và cứu trợ nông nghiệp nên tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế.
“Thế giới hoàn toàn không sẵn sàng cho đại dịch này”, báo cáo của FAO cho biết.
“Nhưng bằng cách giữ cho các bánh răng trong chuỗi cung ứng chuyển động và chủ động tìm kiếm sự hợp tác quốc tế để giữ cho thương mại mở cửa, các quốc gia có thể phòng tránh hiện tượng thiếu hụt lương thực và bảo vệ bộ phận người dân dễ bị tổn thương nhất của mình”.
Nguồn: vietnamnet