Trong một loạt tuyên bố giận dữ, ông Trump tuyên bố Mỹ không cần Trung Quốc và “ra lệnh” cho các công ty Mỹ tìm phương án mới để rút khỏi nước này.
Trong động thái leo thang mạnh cuộc chiến thương mại, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ nâng thuế với cả những hàng đang chịu thuế và những mặt hàng sẽ chịu thuế sắp tới của Trung Quốc.
TT Trump phản ứng tức giận trước đòn trả đũa mới từ Trung Quốc trong thương chiến. Ảnh: Independent.
Trong một loạt tweet viết chiều 23/8, ông Trump nói thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ 1/10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc khác sẽ tăng lên 15%.
Động thái mới diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nâng mức thuế từ 5-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa đợt tăng thuế trước đó của Washington.
Ra lệnh cho các công ty về nước
Nhưng ông Trump thì không chấp nhận đòn leo thang này từ Bắc Kinh và ngay lập tức trả đũa.
“Đáng buồn là những chính quyền trong quá khứ đã để Trung Quốc vượt mặt trong Thương mại Công bằng và Cân bằng đến mức nó trở thành gánh nặng với người đóng thuế Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter. “Là Tổng thống, tôi không thể nào để điều này xảy ra! Trong tinh thần Thương mại Công bằng, chúng ta phải Cân bằng mối Quan hệ Thương mại rất không công bằng này”.
Tổng thống Trump tuyên bố nâng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ mức 25% hiện tại. Mức thuế mới có hiệu lực từ 1/10. Ảnh: New York Times.
“Trung Quốc đúng ra không nên áp đặt thuế mới lên 75 TỶ ĐÔ LA hàng của Mỹ (có động cơ chính trị!)”, ông viết tweet.
Thuế Trung Quốc áp đặt với tổng công 1.717 hàng hóa Mỹ bao gồm đậu nành, dầu thô, thép miếng, hóa chất sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/9, với khoảng 3.361 mặt hàng khác gồm gỗ, ôtô và dệt may có hiệu lực từ 15/12. Các mốc này tương ứng với vòng đánh thuế mới từ Mỹ.
Trung Quốc đã áp mức thuế lên khoảng 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, tương đương với khoảng 70% toàn bộ mặt hàng, với khoảng 40 tỷ USDlà chưa bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa lệnh tăng thuế mới từ Bắc Kinh là mức tăng gấp đôi lên một số hàng hóa đã chịu thuế trước đó.
“Chúng ta không cần Trung Quốc, và nói thật là sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ”, ông Trump viết tweet. “Các công ty Mỹ tuyệt vời được ra lệnh ngay lập tức tìm phương án khác thay Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa công ty VỀ NƯỚC và sản xuất hàng hóa ở Mỹ”.
Thị trường chứng khoán ảnh hưởng
Các lệnh đánh thuế chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ giữa hai nước đã gây chấn động đối với giới đầu tư do lo ngại leo thang thêm từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 623 điểm xuống mức 25.628 điểm, tức 2,37%, trong khi các công ty và hiệp hội thương mại kêu gọi hai nước ngồi lại đàm phán. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng rớt 3%.
Đằng sau những giận dữ của ông Trump là thực tế ngày càng hiện rõ với Washington. Cuộc chiến thương mại mà tổng thống Mỹ từng nói “dễ dàng thắng” đang ngày càng khó khăn và tổn hại hơn so với tính toán trước đó của ông.
Đòn tăng thuế của TT Trump thường được đáp trả bởi Bắc Kinh, gây ảnh hưởng tới nông dân Mỹ và các công ty, tác động tới làn sóng suy thoái toàn cầu đang bắt đầu nhen nhóm.
Một loạt các chỉ số chứng khoán quan trọng rớt hôm 23/8 sau đòn leo thang thương chiến của cả Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: New York Times.
Kinh tế suy thoái cũng ảnh hưởng tới khả năng tái đắc cử của ông Trump trong năm sau.
Hiệp hội Nhà sản xuất xe hơi Toàn cầu cho biết các đòn thuế ăn miếng trả miếng này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất xe hơi và khách hàng. Lượng xe Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm một nửa vào năm ngoái.
Phản ứng trước kêu gọi đi tìm các quốc gia khác của Tổng thống Trump, Liên hiệp Bán lẻ Quốc gia nói các công ty đã đa dạng hóa nguồn cung, nhưng việc tìm nơi khác thay cho Trung Quốc rất tốn kém và mất nhiều năm.
Các doanh nghiệp nhỏ tỏ ra khó hiểu khi ông Trump “ra lệnh” cho các công ty Mỹ “tìm đến các quốc gia khác”. Peter Horwitz, chủ công ty Tiger Packaging, nhà sản xuất giấy và nhựa ở Florida, nói với AP có nhiều nguyên liệu đầu vào chỉ có thể nhập được từ Trung Quốc, như găng tay nhựa.
“Các doanh nghiệp không thể lên kế hoạch cho tương lai trong môi trường kiểu này”, David French, Phó chủ tịch của Liên hiệp Bán lẻ Quốc gia, nói. “Cách tiếp cận của chính quyền rõ ràng không hiệu quả và câu trả lời không phải là thêm thuế đối với doanh nghiệp Mỹ và người tiêu dùng. Chuyện này sẽ dừng ở đâu?”
Sự giận dữ của ông Trump không chỉ với Trung Quốc mà còn nhắm vào Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (FED) Jerome H. Powell khi ông này không nhượng bộ có các động thái để giảm lãi suất cơ bản (điều giúp kích thích kinh tế).
“Câu hỏi duy nhất của tôi rằng ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta, Jay Powell hay Chủ tịch Tập”, tổng thống Mỹ viết trên Twitter.