Sau nửa đêm ngày 14-9, tất cả nhà cung cấp không phải doanh nghiệp Mỹ trên toàn cầu sẽ phải ngừng bán hàng cho Huawei, nếu sản phẩm của họ có công nghệ Mỹ.
Washington hôm 17-8 quy định các nhà cung cấp này phải nhận được giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn duy trì hợp tác cùng Huawei. Quy định này có hiệu lực sau nửa đêm 14-9.
Các linh kiện quan trọng đối với Huawei đang đối mặt với khó khăn, bao gồm các vật liệu bán dẫn chủ chốt, màn hình, ống kính camera và cả các bản mạch in.
Huawei đã bắt đầu dự trữ những loại chip cần thiết từ cuối năm 2018. Nhưng giới quan sát tới nay vẫn chưa rõ liệu hãng này đã thu thập đủ các linh kiện điện tử cần thiết hay chưa.
Hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc này hiện có 190.000 nhân viên, và doanh thu lên đến hơn 124 tỉ USD. Dù vậy, theo Nikkei Asian Review, Huawei đang đối mặt với nguy cơ mất đi nhân tài, khi hàng trăm nhân viên của hãng đã tìm đến các công ty đối thủ.
Trong khi đó, các nhà cung cấp của Huawei buộc phải thích ứng với khả năng mất đi một khách hàng lớn. Đối thủ cạnh tranh của hãng trong lĩnh vực điện tử dân dụng và thiết bị viễn thông như Apple, Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia đã sẵn sàng thâu tóm thị phần.
Những doanh nghiệp mua thiết bị 5G của Huawei cũng đã tìm các giải pháp thay thế.
Nikkei Asian Review nhận định quy định mới sẽ là tác động lớn, thay đổi cục diện chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu hiện nay.
Trong bối cảnh đó, MediaTek, nhà phát triển chip điện thoại lớn thứ hai thế giới đến từ Đài Loan, cho biết đã nộp đơn xin cấp phép để tiếp tục làm ăn cùng Huawei.
Samsung Electronics, Samsung Display và SK Hynix cũng xác nhận đã thực hiện động thái tương tự.
Trước áp lực từ Mỹ, Huawei tới nay vẫn trụ vững trong mảng điện thoại thông minh. Trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6-2020, Huawei đã vượt qua Samsung và trở thành công ty bán điện thoại lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, áp lực đang ngày một tăng đối với Huawei.
Các phiên bản chip Kirin của Huawei có thể biến mất vì lệnh cấm của Mỹ. Kirin đóng vai trò quan trọng trong sản phẩm điện thoại của Huawei và đã trở thành biểu tượng cho năng lực sáng tạo của hãng.
Hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông vốn là một trụ cột của Huawei trong nhiều thập kỷ. Mảng này cũng đóng vai trò trọng yếu giúp các nhà mạng Trung Quốc xây dựng hạ tầng 5G.
Huawei đã chuẩn bị dự trữ trước ít nhất là một năm cho lĩnh vực thiết bị viễn thông. Dù vậy, tốc độ lắp đặt 5G tại Trung Quốc đang chậm dần trong bối cảnh Huawei nỗ lực thiết kế lại và loại bỏ công nghệ Mỹ ra khỏi sản phẩm của hãng nhiều nhất có thể.
Nguồn: tuoitre.vn