Khoảng một tuần nay, cụm từ “chung sống an toàn với COVID-19” đã được nhiều người nhắc tới, khi đến chiều 18-4 là tròn 60 giờ không ghi nhận ca mắc mới và tổng số bệnh nhân còn điều trị là 67 người.

Lập bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành - Ảnh 1.

Mô hình vách ngăn tại bếp ăn tập thể đang được nhân rộng trong các nhà máy ở Bình Dương để tránh lây lan dịch 

Chính vì thế, cụm từ “chung sống an toàn với COVID-19” đã được đặt ra. Làm sao sống an toàn, trường học và công sở hoạt động trở lại, trong khi thế giới có thể vẫn có ca mắc và trong nước có thể có ổ dịch nhỏ lẻ?

Chiều 18-4, Bộ Y tế đã phát đi toàn văn bài phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp một ngày trước đó, bài phát biểu được coi là dài nhất từ trước tới nay mà ông Đam nói về phòng chống dịch COVID-19.

Lần này, vấn đề ông Đam đặt ra là “chung sống an toàn với COVID-19”.

Dựa vào biện pháp chống dịch để ban hành tiêu chí

Trong số 63 tỉnh thành, thông báo ngày 16-4 của Văn phòng Chính phủ đã phân ra 3 nhóm: nguy cơ cao 12 tỉnh thành, nguy cơ 16 tỉnh thành, nguy cơ thấp 35 tỉnh thành. Ngay sau khi có thông báo này, có tỉnh trong nhóm nguy cơ thấp vẫn áp dụng biện pháp cách ly xã hội như nhóm nguy cơ cao hoặc chủ động áp dụng cách ly đến 30-4.

Trong 60 giờ vừa qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Các ổ dịch phát hiện thời gian qua đã được khống chế hiệu quả, chỉ còn ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Hà Nội đang theo dõi thêm.

Hà Nội cũng bắt đầu xét nghiệm mở rộng tại cộng đồng, thông qua xét nghiệm tại 5 chợ đầu mối và một số địa điểm được coi là có nguy cơ cao. Đây là hoạt động chống dịch chủ động, bên cạnh cách ly xã hội đến 22-4, qua đó đánh giá tình hình dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-4, đại diện Bộ Y tế cho biết có thể trong đầu tuần Chính phủ sẽ có chỉ thị mới, hướng dẫn cụ thể các tiêu chí cho từng nhóm nguy cơ. “Dựa vào các biện pháp chống dịch để ban hành tiêu chí, giám sát bằng các tiêu chí” – ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết.

Trong lúc đó, trước mắt các hoạt động nơi đông người như du lịch, lễ hội vẫn đang bị tạm ngưng; việc đeo khẩu trang, rửa tay phòng dịch, duy trì khoảng cách 2m khi đối thoại, tiếp xúc vẫn cần được áp dụng nghiêm, đồng thời khoanh vùng và cách ly, điều trị ngay những ca mắc mới.

Theo ông Phu, đây là biện pháp để “chung sống với COVID-19 nhưng không để lây lan”.

Hàng quán mở lại phải tuân thủ bộ tiêu chí

Theo ông Huỳnh Ngọc Thành – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), điều quan trọng là mỗi tổ chức, cá nhân ý thức cao việc thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn theo bộ chỉ số, không làm đối phó.

“Tất cả hướng dẫn phòng chống dịch hầu như ai cũng biết, nhưng từ biết đến thực hiện là khoảng cách rất xa. Chúng ta không phải chạy theo từng yêu cầu bộ chỉ số chỉ vì kết quả đạt hay không đạt, mà điều quan trọng và bền vững là người dân cần hiểu và tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch” – ông Thành nói.

Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Thành – để “sống chung với dịch”, mỗi lĩnh vực cần có bộ chỉ số đánh giá rủi ro khác nhau, không áp một bộ tiêu chí cho nhiều lĩnh vực. Ví dụ giữa trường học và doanh nghiệp khác nhau về quy mô, con người, cách thức vận hành… nên không thể áp dụng một bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Thậm chí bộ tiêu chí ở trường học cũng phải quy định khác nhau ở mỗi cấp học. “Những tiêu chí không chỉ có hiệu lực vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra mà còn giúp mỗi đơn vị, cá nhân hình thành thói quen biết bảo vệ sức khỏe trước những dịch bệnh khác” – ông Thành nói.

Đến hết ngày 18-4, HCDC đã kiểm tra 54 doanh nghiệp theo chỉ thị 16 và bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 của TP. Kết quả cho thấy có 66,7% mức độ rủi ro lây nhiễm thấp và 33,3% mức độ lây nhiễm trung bình. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện và các đơn vị liên quan đã kiểm tra, rà soát hơn 2.700 xí nghiệp, nhà máy và các khu lưu trú công nhân. Hiện các đơn vị đang tổng hợp kết quả kiểm tra.

Đồng tình với đánh giá dịch bệnh còn kéo dài và mọi ngành nghề đều phải chủ động thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng ban Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM – khẳng định ngoài việc tuyên truyền đề cao cảnh giác, mỗi ngành nghề cần có một bộ tiêu chí để đánh giá.

“Ban ATTP đang cùng với các ban, ngành xây dựng bộ tiêu chí về an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bao gồm các quán ăn đường phố, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và cửa hàng sản xuất thức ăn sẵn” – bà Lan nói. ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm bởi liên quan đến nhiều đối tượng. Bởi vậy khi xây dựng bộ tiêu chí này, bà Lan cho biết đơn vị hết sức cân nhắc giữa nhiều yếu tố là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và phù hợp với khả năng của xã hội có thể đáp ứng, cái lợi hại cho số đông, phải thích ứng linh động với từng giai đoạn của dịch.

“Bộ tiêu chí đưa ra không cứng nhắc. Đó cũng là cách để cho các hàng quán thích ứng và dù dịch bệnh vẫn có thể tồn tại được nếu có một lượng khách nhất định, đáp ứng được các yêu cầu về ATTP và phòng chống dịch bệnh. Có thực tế một số lượng lớn người dân có nhu cầu đi mua để ăn, hay như các nhân viên công sở đi làm cũng phải mua đồ ăn thôi. Như vậy, càng có nhiều hàng quán phục vụ thì mật độ người càng dãn ra, nguy hiểm sẽ ít đi” – bà Lan phân tích.

Theo bà Lan, kế hoạch đến 30-4, Ban ATTP sẽ hoàn tất các bộ tiêu chí đánh giá đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Như vậy ngoài tiêu chí ATTP hiện có, còn có thêm tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh. Sau một vài tháng, nếu nhận thấy tình hình dịch bệnh tạm ổn định thì có thể nới lỏng các tiêu chí này để phù hợp với tình hình đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Bộ tiêu chí chỉ là giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ, cái chính ở đây vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân trong việc gìn giữ vệ sinh hằng ngày” – bà Lan nói.

Lập bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành - Ảnh 4.

Các shipper giữ khoảng cách an toàn khi chờ nhận đơn hàng trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) 

* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Không thể đóng băng tất cả

Khi Chính phủ tuyên bố vào “thời chiến chống giặc COVID-19” tức là vào lúc vừa sản xuất vừa chiến đấu chống dịch, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người dân. Kinh tế “thời chiến” sẽ làm giảm quy mô và thay đổi phương thức một số hoạt động kinh tế. Một số ngành dịch vụ sẽ giảm quy mô đến tối thiểu và có đóng băng cục bộ. Tuy nhiên, “thời chiến” không có nghĩa là đóng băng tất cả, chỉ ngồi nhà và không làm gì cả. Nền kinh tế vẫn sẽ phải tiếp tục vận hành, các giao dịch sẽ “online” nhiều hơn.

Dịch bệnh chắc chắn sẽ làm đảo lộn các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đã chuẩn bị. Xác định lại thứ tự ưu tiên, có kịch bản khác nhau để bảo vệ, phục hồi, tăng tốc trở lại sản xuất kinh doanh là điều cần thiết. Song song với chống dịch, bây giờ nên là thời điểm để Chính phủ yêu cầu các bộ ngành khởi động công việc này.

Làm sao thiết bị y tế – từ xét nghiệm, kiểm tra thân nhiệt, đồ dùng bảo hộ cá nhân cho công nhân, vệ sinh diệt khuẩn… đến được nhanh nhất với nhóm sản xuất trực tiếp. Khi việc hướng dẫn và chăm sóc y tế kỹ lưỡng đến từng công nhân tại nhà máy lẫn sau giờ làm việc được đảm bảo, sản xuất có thể an toàn để trở lại sớm nhất. Làm được như thế đó là lợi thế của chúng ta.

Hiện nay chúng ta đang hướng dẫn an toàn cho toàn dân nhưng chưa có hướng dẫn và thực thi cụ thể cho từng nhóm: nhóm sản xuất, nhóm dịch vụ. Bộ Y tế cần phối hợp Bộ Công thương, các hiệp hội ngành nghề, chính quyền địa phương ra hướng dẫn và quy trình cụ thể để bảo vệ công nhân trong từng nhà máy lẫn khu trọ, cư xá công nhân, khu tập trung đông công nhân.

Nguồn nhân lực, vật lực y tế cũng cần dồn cho khu vực này. Bộ Y tế cũng nên có hướng dẫn đánh giá rủi ro, từ đó các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh thành có thể triển khai đánh giá, phân loại rủi ro cho từng nhóm nhà máy và nhà máy cụ thể. Nhóm nào an toàn cao cho phép khôi phục sản xuất sớm, an toàn thấp thì từng bước. Những giải pháp như vậy cần áp dụng sớm cho khu vực sản xuất.

Tương tự, khách du lịch có thể trở lại sau, chưa phải ưu tiên lúc này, nhưng việc cho phép số lượng hạn chế và có kiểm soát lực lượng chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao từ nước ngoài trở lại để góp phần sản xuất bình thường thì cần làm sớm. Số lượng nhóm này không lớn, giám sát y tế hợp lý là khả thi để đảm bảo an toàn là làm được.

Tạo dựng được một hình ảnh Việt Nam an toàn trước hết là an toàn cho kinh doanh, an toàn cho sản xuất với lực lượng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài là một đóng góp không nhỏ cho thu hút đầu tư sắp tới.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bếp ăn tập thểBình DươngCOVID-19lây lan dịch bệnhnhà máy

Các tin liên quan đến bài viết