Chỉ với 3.000m2 đất nhưng được đầu tư bài bản và biết tính toán, ông Thân Văn Vinh (66 tuổi) ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành (Đồng Xoài) đã xây dựng thành công khu trang trại chăn nuôi khép kín an toàn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Càng ngạc nhiên hơn khi lão nông này còn chế tạo thành công chiếc máy ấp trứng đa năng, giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.
THÀNH CÔNG TỪ NUÔI GÀ, VỊT
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại chăn nuôi tại nhà, lão nông Thân Văn Vinh chia sẻ về bí quyết nuôi gà Đông Tảo và vịt xiêm (ngan). Khu chuồng nuôi gà, vịt được ông đầu tư khá bài bản, thoáng mát về mùa hè và giữ ấm vào mùa mưa. Khi gà và vịt mới nở, ông nuôi nhốt, tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh. Thời điểm gà và vịt đạt trọng lượng từ 0,5-1kg/con thì thả vào khu nuôi riêng, bổ sung cho gà các loại thức ăn như lúa, gạo lứt, bắp… Ông Vinh cho biết: “Đàn gà và vịt được nuôi dưới tán cao su nên tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Ngoài ra tôi còn cho ăn thêm lúa, bắp và tuyệt đối không sử dụng các thức ăn kích thích tăng trưởng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn, tăng thu nhập”.
Nuôi gà Đông Tảo cũng như những giống gà khác, ngoài cho ăn cám gạo, bắp thì cần bổ sung các vitamin, khoáng chất và giá đỗ để kích thích sự tăng trưởng của gà. Tuy nhiên gà Đông Tảo có sức đề kháng yếu nên phải thường xuyên quan sát các triệu chứng như: sổ mũi, có nước bọt ở mắt, lông xù… để cách ly và điều trị bệnh sớm, tránh lây lan. Khu vực nuôi phải sạch sẽ thoáng mát, đặc biệt trong vườn nuôi không được để ao tù, nước đọng tránh gà uống phải.
Ông Thân Văn Vinh ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài chia sẻ cách chế tạo máy ấp trứng đa năng
Đối với giống vịt xiêm, lượng thức ăn hằng ngày chỉ bằng vịt thả đồng nhưng trọng lượng cho gấp đôi và bán được giá, đặc biệt chuồng nuôi không cần diện tích rộng. Do gia đình ông nuôi vịt dưới tán cao su nên phát triển tốt và hạn chế được mùi hôi. Ngoài ra, ông vệ sinh máng uống, ăn sạch sẽ, tuân thủ lịch tiêm vắc-xin cúm gia cầm và các vắc-xin phòng bệnh khác. Ở giai đoạn vịt từ 10-28 ngày tuổi phải tiêm phòng dịch tả vịt bằng thuốc vaxiduk với liều lượng 0,5ml/con, đồng thời bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết.
Theo kinh nghiệm của ông Vinh, để nuôi gà Đông Tảo và vịt xiêm đạt kết quả cao thì phải hiểu được đặc tính của từng loại con giống, nắm vững quy trình chăm sóc; tuân thủ lịch tiêm phòng, sử dụng thức ăn đạt chất lượng và phù hợp từng giai đoạn phát triển; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi riêng biệt và chọn thời điểm nuôi phù hợp. Nhờ đó, bình quân mỗi tháng gia đình ông thu về gần 20 triệu đồng từ bán gà và vịt thịt, giống.
NUÔI HEO AN TOÀN
Thời gian qua, bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan nhanh, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Bình Phước có heo bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Trong vùng dịch nhưng nhận thức được sức ảnh hưởng nghiêm trọng và chưa có vắc-xin phòng bệnh nên ông Vinh luôn chủ động tự “cứu mình, cứu heo”.
Để đảm bảo an toàn cho đàn heo của gia đình giữa “bão” dịch, ông Vinh cho biết, chuồng trại được bố trí thoáng mát, máng ăn luôn sạch sẽ, sát trùng chuồng nuôi định kỳ với thời gian có dịch 7 ngày xịt/lần. Sử dụng vôi bột rải đều lối đi để tiêu diệt nguồn lây bệnh cho heo. Ngoài thức ăn do công ty có uy tín cung cấp thì ông bổ sung rau xanh nhằm tăng sức đề kháng cho heo và tiết kiệm chi phí.
Nhờ ứng dụng quy trình chăm sóc nên đàn gà Đông Tảo của gia đình ông Thân Văn Vinh ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành (Đồng Xoài) phát triển tốt
Bên cạnh đó, ông luôn theo dõi thông tin thời sự nếu thấy có dịch bệnh gì xảy ra thì tiêm vắc-xin và bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho heo; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, tiêu hóa, hô hấp của heo để xử lý bệnh kịp thời. Để tránh bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài vào, ông tuyệt đối không mua thịt heo sống về ăn, không lấy thức ăn dư thừa từ quán ăn về cho heo. Hạn chế khách vào thăm khu nuôi heo. Khi ra vào khu nuôi phải vệ sinh quần áo, giày dép để hạn chế mức thấp nhất gây bệnh cho heo.
“Trong khi đàn heo của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị “xóa sổ” vì bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng trại heo 60 con của tôi vẫn khỏe mạnh, lớn nhanh. Hiện tôi đã cho xuất bán đàn heo với trọng lượng hơn 5 tấn, giúp gia đình có khoản thu nhập khá” – ông Vinh nói.
CHẾ TẠO MÁY ẤP TRỨNG ĐA NĂNG
Ngoài chăn nuôi giỏi, ông Vinh còn chế tạo thành công chiếc máy ấp trứng đa năng giúp số lượng trứng nở đạt cao và tiết kiệm chi phí. Ông Vinh chia sẻ: “Mua máy ấp trứng ngoài thị trường chi phí rất cao (12-15 triệu đồng/máy), khó sử dụng và dung tích chứa trứng ấp 1.000 quả, chỉ ấp trứng một loại vật nuôi. Còn chiếc máy ấp trứng của tôi tự làm ra rất dễ sử dụng, giúp tiết kiệm từ 7-9 triệu đồng/máy, đặc biệt máy này có thể ấp hơn 2.000 quả trứng và ấp 2 loại vật nuôi trở lên”.
Cách làm máy ấp trứng rất đơn giản với dụng cụ gồm: gỗ hoặc tôn, đinh ốc, 4 bóng đèn hồng ngoại, bộ ổn áp điện (mục đích giúp ổn định điện năng), bộ tản nhiệt… Để làm thân máy, ông dùng những ván gỗ rồi cố định bằng đinh, sau đó ghép từng tấm lại theo hình chữ nhật, có chiều cao 1,5m và rộng 0,5m (tùy mục đích người sử dụng). Bên trong thân máy bố trí từng giá để trứng; phía trên thân máy thiết kế một hộp chứa những bóng đèn hồng ngoại và bộ tản nhiệt cùng bộ ổn áp điện. Kế đến, thiết kế cửa để đóng.
Chiếc máy này hoạt động theo nguyên lý, khi dòng điện truyền vào bộ ổn áp, điện từ ổn áp chạy qua 4 bóng đèn được cố định sẵn. Khi bóng đèn sáng lên sẽ phát ra hơi nóng, sau đó hơi nóng kết hợp cùng bộ tản nhiệt sẽ tản nhiệt đều khắp giá đỡ trứng. Lúc này có thể ấp trứng được. Thời gian trứng nở khoảng từ 25-28 ngày. Loại máy này có thể ấp rất nhiều loại trứng như: gà Đông Tảo, gà thả vườn, vịt xiêm, vịt trời… Ông Vinh cho biết, sẵn sàng chia sẻ cách chế tạo máy ấp trứng đa năng cũng như chăm sóc gà Đông Tảo, vịt xiêm và heo cho những nông hộ có nhu cầu.
Theo Báo Bình Phước