Sự mất cân đối giữa cung và cầu trong khối lao động phổ thông đang ngày càng tăng lên vì sự phân bố đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và xu hướng tìm việc của người lao động cũng thay đổi. Để thu hút được người lao động, các doanh nghiệp phải “tung chiêu” trong tuyển dụng hoặc tăng lương, phúc lợi để cạnh tranh

Mỗi công nhân là một kênh tuyển dụng

Tại TPHCM, chỉ riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX – CN), khu công nghệ cao đang hoạt động với 1.200 doanh nghiệp sử dụng 285.000 – 290.000 công nhân, lao động đang làm việc. Theo ông Trần Công Khanh – Trưởng phòng quản lý lao động (Ban quản lý các KCX – CN TPHCM), tỷ lệ biến động lao động ở các doanh nghiệp thuộc KCX – CN TP vào khoảng 10%, tương đương 20.000 – 25.000 lao động, trong đó có hơn 8.000 lao động chất lượng cao, còn lại các doanh nghiệp cần từ 12.000 – 17.000 lao động phổ thông.

Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp dệt may cao nhất chiếm tới 40%, sau đó là công nghệ thông tin với 14%, cơ khí chiếm 8,1%…

 Sinh viên tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngay tại Ngày hội việc làm được tổ chức tại trường - Ảnh: L.T

Sinh viên tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngay tại Ngày hội việc làm được tổ chức tại trường – Ảnh: L.T

Nhiều nhà tuyển dụng thừa nhận, hiện nay việc tìm nguồn lao động để bổ sung cho lực lượng lao động dao động hàng năm đã khó, chứ chưa nói đến chuyện mở rộng sản xuất. Giám đốc nhân sự một công ty cơ khí (đóng tại KCX Tân Thuận, TPHCM) chia sẻ: Mặc dù, công ty đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao hiệu suất, có những dây chuyền khi đầu tư máy móc, thiết bị mới, số lao động giảm đến 70%, thế nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu lao động.

“Tất cả các lao động bị thay thế bởi máy móc, chúng tôi đào tạo lại và bố trí vào các xưởng, dây chuyền mới khi mở rộng sản xuất thế nhưng vẫn thiếu. Để có nguồn lao động, chúng tôi kết nối với các trung tâm tuyển dụng, giới thiệu việc làm ở các tỉnh. Có thông báo rộng rãi trong anh chị em công nhân, nếu anh chị em nào giới thiệu được một người mới đến công ty làm việc, công ty sẽ thưởng tiền cho cả hai. Với hình thức “đôi bạn cùng tiến” này, công ty cũng có thêm được một kênh tuyển dụng mới”.

Tuyển dụng thông qua kênh công nhân, người lao động làm việc tại công ty chính là cách mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất đang thực hiện. Ông Lê Văn Toàn, quản lý sản xuất Cty Estec Vina (Bình Dương) chia sẻ: “Tại công ty tôi, tỷ lệ lao động được tuyển dụng qua kênh công nhân chiếm khoảng 30%. Trong bối cảnh cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp, tuyển lao động qua sự giới thiệu của công nhân cũng khá hiệu quả”.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, muốn tuyển dụng được qua kênh công nhân, người lao động, bản thân doanh nghiệp đó phải có chế độ phúc lợi, tiền lương tốt bởi hầu hết công nhân sẽ giới thiệu bạn bè, người thân, bà con, đồng hương… “Nếu doanh nghiệp mình có chế độ tệ quá, họ không dại gì đưa người thân mình vào chỗ khổ”, ông Toàn nói.

Xu hướng tìm việc của người lao động thay đổi

Không chỉ các doanh nghiệp cạnh tranh lao động, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tuyển dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp là do xu hướng tìm việc của người lao động cũng thay đổi.

Nếu như 5 năm trước, một lao động phổ thông từ các tỉnh đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc thì đích đến của họ sẽ là các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, ngày nay họ có rất nhiều lựa chọn khác. Cụ thể nhất là tham gia vào các ứng dụng công nghệ vận chuyển, giao nhận hàng… đang phổ biến hiện nay. Với con số 175.000 việc làm (tương đương với 175.000 lao động) đang tham gia vào chỉ một ứng dụng đặt xe không khiến nhiều người giật mình, con số này lớn hơn tất cả lao động đang làm việc ở 9 nhà máy của Tập đoàn PouChen (170.000 lao động) – Tập đoàn có số lao động đông nhất nhì Việt Nam hiện nay.

Từ Tiền Giang lên TPHCM tìm việc, Tuấn không đến các xí nghiệp để tìm cơ hội mà qua một người bạn, Tuấn được đưa thẳng đến một trung tâm tuyển dụng tài xế của một công ty cung cấp ứng dụng đặt xe. Tuấn được cấp tài khoản và chạy xe ngay sau đó. Tuấn chia sẻ: “Chạy xe cho linh động thời gian, chịu khó cày thì tiền lương cũng cao. Chỉ có điều em hơi lo là còn chạy thì còn tiền, hết chạy là hết tiền, lỡ đau ốm thì chưa biết tính sao nhưng dù sao em thấy làm công việc này mình tự do”.

Chia sẻ về nguyên nhân sự mất cân đối giữa cung và cầu trong khối lao động phổ thông đang có chiều hướng tăng lên, bà Lê Thị Kim – Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc (ManpowerGroup Việt Nam) cho rằng: Sự phân bổ đầu tư giữa các tỉnh khác nhau. Các khu vực gần Hà Nội, TPHCM, gần sân bay và cầu cảng có lượng đầu tư lớn hơn dẫn đến thiếu hụt lao động nhiều hơn và người lao động càng ngày càng có xu hướng đổ về các thành phố lớn. Tuy nhiên, người lao động hiện nay lại có xu hướng tìm kiếm các công việc ngắn hạn có mức thu nhập tháng cao chứ ko còn tìm kiếm các công việc ổn định mà thu nhập hàng tháng thấp với tâm lý chờ thưởng cuối năm hay là tìm kiếm các quyền lợi phi tài chính nữa.

“Người lao động không còn đặt nặng vấn đề công việc ổn định. Tâm lý bị ràng buộc lâu dài khiến họ từ chối làm nhân viên chính thức, họ thích độ linh hoạt cao trong công việc. Một lực lượng lớn lao động cũng tham gia vào các doanh nghiệp khoán việc để làm được nhiều công việc khác nhau, tiền tươi thóc thật nhận mỗi tháng, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không chờ đến Tết để có các khoản thưởng”, bà Kim chia sẻ.

Theo bà Phạm Ngọc Điệp – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Ban quản lý các KCX – CN TP, bên cạnh những doanh nghiệp khó tuyển lao động thì cũng có những doanh nghiệp không bao giờ lo thiếu. Như vậy, để thu hút người lao động, doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, có chế độ lương, thưởng phúc lợi tốt, chủ động kết nối với các nguồn cung cấp lao động để có được nguồn lao động dồi dào.

Theo Dân Trí

Từ khóa : công nghệ thông tinDoanh nghiệp dệt maykhu công nghệ caolao động phổ thôngngười lao độngViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết