Dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn. Không ít người phải xin cơm từ thiện, ăn mỳ tôm, cháo loãng để cầm cự.

Trưa cơm từ thiện, chiều mỳ tôm, cháo loãng

Trời đứng bóng, dù thấm mệt vì cái nắng gắt, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (74 tuổi, tạm trú quận 8, TP.HCM) vẫn cố gắng rời chợ An Đông để đến số 96 Nguyễn Chí Thanh (phường 2, quận 10, TP.HCM) nhận cơm từ thiện.

Từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, bà Trâm phải tìm đến địa điểm này để có những hộp cơm chống đói. Bà nói, khoảng thời gian này là thời điểm khó khăn nhất mà bà từng đối mặt kể từ khi rời quê vào TP.HCM bán vé số dạo.

Bà Trâm ở trọ tại quận 8. Trước khi dịch bệnh bùng phát, bà thường đón xe ôm từ nơi thuê trọ đến chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) bán vé số. Bà nói: “Lúc chưa dịch, người ta đi chợ nhộn nhịp lắm. Tôi đi vài vòng chợ bán vé số cũng đủ tiền trang trải”.

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Bà Trâm nói, dịch bệnh khiến bà bán vé số dạo ế ẩm nên trưa ăn cơm từ thiện, chiều ăn mỳ tôm, cháo loãng.

“Bây giờ dịch bệnh phức tạp, lại giãn cách xã hội, người ta ở nhà, hàng quán đóng cửa, tôi bán không được. Đi từ sáng đến trưa, tôi bán chưa được một nửa ngày thường. Thế nên, dù chân bị khớp nặng, trời nắng, tôi cũng cố đi thêm mấy vòng chợ để bán. Dẫu vậy, vé số vẫn ế lắm”, bà nói thêm.

Dù bán không được, bà Trâm vẫn phải trả tiền xe ôm, tiền ăn… nên cứ thiếu trước hụt sau. Thế nên, bà chọn cách tiết kiệm bằng cách nhịn bữa sáng. Đến trưa, bà tìm những nơi phát cơm từ thiện để nhận. Chiều về, bà nấu cháo loãng hoặc độn cháo với mỳ tôm để ăn qua bữa.

Trưa cùng ngày, bà Ngọc Tuyết (73 tuổi, vô gia cư) gần như đói lả. Được những người chạy xe ôm truyền thống “chỉ điểm”, bà “tạm quên cái đói” để đi bộ đến quán cơm từ thiện của bà Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi) trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM).

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Bà Tuyết ăn vội hộp cơm từ thiện ngay sau khi vừa nhận được từ tay nhà hảo tâm.

Nhận được hộp cơm, bà Tuyết đến ngay gốc cây ven đường cách quán cơm chưa đầy 3 bước chân ăn trong vội vã. Bà nói: “Từ sáng đến giờ, tôi chưa ăn gì. Hôm nay, số tiền bán vé số chưa đủ mua hộp cơm. Ế lắm. Khách ở nhà phòng dịch, không ai mua vé số ủng hộ nữa”.

Không đủ tiền thuê trọ như bà Trâm, bà Tuyết sống lang thang, tối ngủ ở vỉa hè, khuôn viên bệnh viện Nhi Đồng 1. Không thể tự nấu ăn, bữa cơm trong ngày của bà chỉ trông chờ vào các hàng quán.

Thời điểm TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội, nhiều hàng quán quen, cho bà ăn uống miễn phí đóng cửa. Công việc bán vé số thất thu trầm trọng khiến bà không đủ tiền mua cho mình bữa ăn. Bà đành trông chờ vào các điểm phát cơm từ thiện để chống chọi với dịch bệnh.

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Chị Thanh đến nhận cơm từ thiện sau khi không thể tiếp tục công việc giúp việc vì dịch bệnh.

Thu nhập giảm “chạm đáy”

Không chỉ người bán vé số, thu mua ve chai bị ảnh hưởng, dịch bệnh cũng tác động mạnh mẽ lên sinh kế của người bán hàng rong, giúp việc, xe ôm… Chị Cao Thị Thanh (54 tuổi, ở quận 4, TP.HCM) cho biết, trước khi dịch trở nên phức tạp, chị làm giúp việc.

Công việc tuy nặng nhọc nhưng đem lại thu nhập ổn định. Cùng với số tiền chạy xe ôm của chồng, chị Thanh có thể trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Tuy nhiên, khi dịch trở nên phức tạp, chị bị chủ nhà cho tạm nghỉ việc.

“Ai cũng ở nhà và để đảm bảo an toàn, họ tạm thời không cần tôi giúp việc nữa, nói là tạm nghỉ chứ không biết nghỉ đến bao giờ. Đã thế, dịch bệnh cũng khiến chồng tôi không có khách. Có hôm ngồi cả ngày trời ngoài đường, ông ấy không chạy được cuốc xe nào. Nói chung, cuộc sống rất chật vật”, chị Thanh kể.

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Vé số ế ẩm, hai mẹ con chị Kiều nhận cơm từ thiện ăn trưa.

Để tiết kiệm, cả nhà chị Thanh gần như nhịn ăn bữa sáng. Đến trưa, chồng chị tranh thủ chở chị đến giao lộ Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực (quận 1, TP.HCM) nhận cơm từ thiện. Chị nói: “Trước mắt cứ xin cơm, đỡ được đồng nào hay đồng ấy. Chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát mói tính tiếp được. Giờ cứ lo phòng, chống dịch thôi”.

Nhiều tài xế xe ôm truyền thống cho biết, thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông Quang, tài xế xe ôm truyền thống, chia sẻ: “Đa số xe ôm truyền thống như tôi đều là người có tuổi và không biết công nghệ. Chúng tôi chịu sự canh tranh của xe ôm công nghệ khiến thu nhập giảm đi nhiều”.

“Đa phần, khách đi xe đều là khách mối. Bây giờ, dịch bệnh, giãn cách xã hội, chúng tôi gần như ế khách, thu nhập giảm chạm đáy luôn”, ông nói thêm. Cũng theo ông, dù sợ dịch bệnh, ế khách nhưng ông và những người làm nghề xe ôm không thể ở nhà.

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Một tài xế xe ôm truyền thống đến nhận cơm từ thiện để có thể tiết kiệm chi phí khi gần như không có khách đặt xe.

Bởi nếu ngừng chạy xe, “nhốt mình ở nhà”, không những không có thu nhập mà còn tiêu tốn tiền điện, nước. Thế nên, dẫu sợ dịch bệnh, ế khách, ông vẫn cố chạy xe ngã tư, dựng xe dưới bóng râm trên vỉa hè đợi khách. Trưa, ông lại ghé vào điểm phát cơm từ thiện để nhận cơm, ăn qua bữa.

Trong khi đó, những gánh hàng rong nổi tiếng tại TP.HCM cũng lao đao vì dịch bệnh. Nhiều người vì không chịu nổi cảnh “khách vắng teo” nên bỏ xe, xếp quang gánh nghỉ ở nhà.

Bà Gánh (63 tuổi), người có thâm niên 20 năm bán rong trên vỉa hè đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), cho biết, suốt những qua, đây là lần đầu tiên bà đối mặt với tình trạng khó khăn này.

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Trước khi giãn cách xã hội, mỗi ngày bà Gánh thu về 2 triệu đồng từ gánh hàng rong. Bây giờ, bà chỉ bán được 200.000 đồng/ngày.

Bà nói: “Tôi bán thức ăn vặt cho học sinh, dân văn phòng ở đây đã gần 20 năm. Mỗi ngày, tôi gánh gánh hàng rong của mình ra đây ngồi bán. Mấy món ăn vặt của tôi học sinh, mấy cháu làm việc văn phòng rất thích nên bán được lắm. Trước đây, tính cả vốn lẫn lời, mỗi ngày tôi bán được 2 triệu đồng”.

“Từ lúc dịch bùng phát trở lại, tôi nghỉ hẳn vì biết không bán được. Học sinh thì nghỉ học, nhiều công ty, cửa hàng đóng cửa, cho làm việc ở nhà nên không ai mua. Tuy nhiên, nghỉ ở nhà cũng buồn, hôm nay, tôi đi bán lại mà ngồi từ sáng đến chiều mà mới chỉ bán được 200.000 đồng”, bà Gánh nói thêm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bán vé sốCovid-19 TP.HCMGiãn Cách Xã Hộingười nghèotừ thiện

Các tin liên quan đến bài viết