Công nghệ giúp tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc có thể biến dân số già hóa thành lợi thế với các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Sato Tadashi đã 72 tuổi nhưng cảm thấy vẫn còn khỏe mạnh. Ông cho biết, sẽ thật phí nếu mình còn khả năng lao động, nhưng lại ăn chơi ở nhà. “Tôi không nghĩ là sẽ làm việc ở tuổi này. Cứ nghĩ là 72 tuổi thì già yếu lắm, nhưng giờ đến tuổi này thì tôi cảm thấy vẫn như 50 thôi. Tôi vẫn muốn cố gắng tiếp, không thể kém các bạn trẻ được”.
Ông Sato là nhân viên công ty đồ gia dụng Nojima. Tháng trước, hãng đã cho phép nhân viên trên 65 tuổi tiếp tục được làm việc. Hợp đồng ký lại 1 năm 1 lần. Tanaka Yoshiyuki, Giám đốc Nhân lực Nojima, nói: “Chúng tôi có một phần không nhỏ khách hàng cao tuổi, họ sẽ thấy thoải mái hơn nếu được phục vụ bởi nhân viên chạc tuổi họ. Nojima sẽ có nhiều nhân viên cao tuổi hơn và có thêm phúc lợi sức khỏe để bảo vệ đối tượng lao động này”.
Chính sách mới này đem lại lợi ích cho công ty, người lao động và khách hàng. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ giải quyết tình trạng già hóa dân số đang ngày càng trầm trọng ở Nhật Bản.
Một ước tính cho thấy, đến năm 2030, châu Á sẽ là nơi sinh sống của 60% những người từ 65 tuổi trở lên trên Trái đất. Nhật Bản lúc đó sẽ trở thành quốc gia “siêu già” đầu tiên của thế giới khi hơn 28% dân số từ 65 tuổi trở lên. Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)… sẽ là “rất già” với những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 21% dân số. Đây thực sự là mối nguy đối với tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á.
Tìm cơ hội trong thách thức
Nhật Bản đang ngày càng tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cao tuổi. |
Nhiều quốc gia đang triển khai các giải pháp khác nhau nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Tại Nhật Bản, các công ty được khuyến khích giữ chân nhân viên lớn tuổi. Cựu thủ tướng Abe Shinzo từng đưa ra đề xuất yêu cầu người lao động đợi đến năm 70 tuổi mới rút lương hưu, để nhận được số tiền thanh toán cao hơn.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong gần đây đã áp dụng chính sách giảm lương hưu đối với người cao tuổi trừ khi họ tiếp tục tìm việc làm. Còn ở Singapore, các nhà tuyển dụng cung cấp cơ hội làm việc cho những người lao động ở độ tuổi tái tuyển dụng lao động là 67. Họ cũng được Chính phủ Singapore khuyến khích tuyển dụng lao động trên 50 tuổi, và đưa ra những đãi ngộ nhằm giữ chân những nhân viên có kinh nghiệm.
Dân số già tăng nhanh quả thật đang đặt ra thách thức nghiêm trọng cho triển vọng kinh tế dài hạn của châu Á, nhưng đồng thời lại mở ra cơ hội tận dụng và khai thác năng lực, kỹ năng của người lao động lớn tuổi. Nếu có chính sách đúng đắn, các nước châu Á có thể làm giảm nhẹ nguy cơ dân số già và khai thác “nguồn lao động bạc” để trở thành những quốc gia có năng suất cao hơn và năng động hơn.
Công nghệ tạo việc làm cho người cao tuổi
Tỷ lệ tăng trưởng độ tuổi lao động và giữa độ tuổi lao động và tuổi già tại châu Á từ 1985 đến 2050. |
Công nghệ giúp tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc có thể biến dân số già hóa thành lợi thế với các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo tổng hợp kinh tế châu Á 2019/2020.
Ngày nay, người cao tuổi có trình độ học vấn cao hơn và khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ. Những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể mở rộng thời gian làm việc, tạo ra sự đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ cần có tư duy mới về giáo dục và đào tạo kỹ năng, bao gồm việc học tập suốt đời cũng như ứng dụng các công nghệ và phương pháp giúp cho công việc và môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với người lao động cao tuổi.
Những thập kỷ gần đây, nhiều quốc gia có dân số già hóa đang thực sự đặt nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn vào việc cải thiện năng suất kinh tế, trong bối cảnh tự động hóa và công nghệ mới được áp dụng ngày một phổ biến. Nói cách khác, các quốc gia trải qua những thay đổi nhân khẩu học theo xu thế già hóa này đã khá thành công trong việc điều chỉnh sự phù hợp và thích ứng tốt hơn giữa quá trình lão hóa và áp dụng tiến bộ công nghệ.
Dân số già vừa là thách thức, nhưng đồng thời lại mở ra cơ hội tận dụng và khai thác năng lực, kỹ năng của người lao động lớn tuổi ở châu Á. |
Ví dụ, Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực truyền thông xã hội và sản xuất điện thoại thông minh nhằm tăng cường việc làm dành cho những người lớn tuổi.
Chính sách hỗ trợ của nhà nước
Người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, khi tham gia vào thị trường lao động, những đối tượng này có một vị trí đặc biệt: họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Họ cũng có ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn. đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn…. Rõ ràng, người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của xã hội.
Có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.
Sự thay đổi quan niệm về tuổi hưu ở Việt Nam và một số nước châu Á. |
Vì vậy, các quốc gia và xã hội cần phải thay đổi quan niệm, cách tiếp cận, cách nhìn đối với vấn đề người cao tuổi. Người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các nước cũng có thể lồng ghép yếu tố người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi vào các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ tham gia học tập, hoạt động kinh tế.
Từ 1986, Nhật đã có quy định chính thức về việc thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm. Các trung tâm này chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ người cao tuổi đăng ký tìm việc. Chính phủ còn trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm; doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật đều đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi.
Ở Singapore, các nhà tuyển dụng cung cấp cơ hội làm việc cho những người lao động ở độ tuổi tái tuyển dụng lao động là 67. |
Để cải thiện an sinh xã hội, năm 2021, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho hay, Chính phủ đã và đang khởi động một chương trình nhằm tạo việc làm cho người lao động cao tuổi. Theo đó, chương trình đặt mục tiêu tạo thêm 785.000 việc làm mới cho đối tượng này trong năm.
Lao động cao tuổi tại Việt Nam
Theo dự báo của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc hiện rất cao. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc.
Độ tuổi dân số trung bình tại Việt Nam từ 1990 đến 2050. Nguồn: Liên Hợp Quốc. Statista |
Hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.
Thời gian qua cũng đã có một số chính sách khuyến khích người cao tuổi tham gia làm việc nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung một số đối tượng. Bởi vậy, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
Nguồn: vietnamnet