Cách đây khoảng hai tháng, chị C.T.L., ở Hà Nội, được một hãng mỹ phẩm mời đến dùng thử sản phẩm. Đang tuổi trung niên và tự cảm thấy da kém săn chắc, có nám, chị L. đồng ý đến dùng thử vào một buổi chiều thứ bảy của tháng 11-2017 vừa qua…

Ớn lạnh  mỹ phẩm bán bằng hợp đồng vay nợ - Ảnh 1.

“Văn bản bán mỹ phẩm” của DeAura gửi cho khách hàng L 

Ngay tại buổi dùng thử, chị L. ký vào một hợp đồng mua bộ mỹ phẩm giá 43 triệu đồng và trả góp trong 12 tháng, mà không ngờ có vô số rắc rối xảy ra…

Bức xúc vì gặp họa khi mua mỹ phẩm

Hãng mỹ phẩm chị L. khiếu nại là DeAura, có trụ sở và chi nhánh ở phố Nguyễn Du, phố Thái Hà và nhiều địa điểm khác ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành. Chị L. cho biết khi chị đến dùng thử sản phẩm, nhân viên của DeAura đã mời chị lên khám “bác sĩ về da”, nhưng thực chất là nhân viên do chính hãng đào tạo, cách gọi bác sĩ chỉ để cho “văn vẻ”. Tại khu vực khám da, “bác sĩ” cho biết da chị L. khô bất bình thường và đang bị lão hóa mạnh.

“Tôi rất sợ và họ bảo chúng em sẽ giúp chị cải thiện những vấn đề này bằng mỹ phẩm và máy móc. Họ cho mình dùng thử sản phẩm ở một bên mặt, tôi cảm giác thích sản phẩm, sau khi dùng thử thì các nhân viên bán hàng xuất hiện và mời tôi mua gói sản phẩm với giá tổng thể là 76 triệu đồng, nhưng mua trong ngày hôm đó thì được giảm giá còn 43 triệu đồng, nếu không quyết định ngay thì ngày mai sẽ về lại giá cũ 76 triệu đồng. Tôi kinh doanh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ bỏ ra đến trên 10 triệu cùng lúc để mua mỹ phẩm, vì thế rất ngần ngừ, nhưng vì họ nói bên cạnh mỹ phẩm còn gói trị liệu miễn phí mỗi tháng một lần bằng thiết bị tốt, nên tôi đã mua, theo hình thức trả góp vì họ đã chuẩn bị sẵn các văn bản giấy tờ đưa cho mình, mình nói trả tiền luôn một lần thì họ lại không giảm giá nữa, là người kinh doanh tôi thấy trả góp cũng không sao” – chị L. cho biết.

Và rắc rối xảy ra từ lúc đó. Theo chị L., sau khi mang mỹ phẩm (gồm 10 món hàng) về, chị mới dùng loại kem dưỡng da và kem mắt. Chị bôi kem mắt thấy mắt bị giật. Với kem dưỡng da, chị thấy rát sau khi bôi vì da chị vốn là loại da mỏng và nhạy cảm. Chị đã tạm ngưng sử dụng sản phẩm. Sau khi mua hàng không lâu, chị nhận được điện thoại đòi nợ: “Chị chưa trả tiền mua tivi”- người đòi nợ nói như vậy, “trong khi tôi bán tivi, mua làm gì, mãi tôi mới nhớ ra gần đây mình có mua mỹ phẩm trả góp. Và không chỉ đòi nợ tôi, họ còn gọi điện cho nhân viên công ty nói năng rất thô lỗ. Họ toàn gọi đòi nợ vào 8h sáng hay lúc giữa trưa để làm mất uy tín của tôi, cộng với chất lượng sản phẩm không phù hợp nên tôi muốn trả hàng, nhưng khi muốn trả lại không dễ dàng”.

Cẩn trọng khi mua

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết cách đây hơn một năm, quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phạt DeAura khoản tiền hàng trăm triệu đồng. Thanh tra Sở Y tế cũng đã đến kiểm tra và xác minh hãng có hồ sơ công bố chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Israel. “Vấn đề mà khách hàng phàn nàn nhiều là hình thức kinh doanh của hãng, nhưng việc này thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương và quản lý thị trường. Quản lý thị trường thì cũng kiểm tra và xử phạt rồi, nếu người tiêu dùng nào gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm cứ báo lên chúng tôi” – ông Cường cho hay.

Trong quá trình tìm hiểu về hình thức kinh doanh của DeAura, chúng tôi thấy lạ khi trong số những người mua hàng có cả một phụ nữ làm nghề… giúp việc nhà. Chị này cho biết được mời đến dùng thử sản phẩm, và khi được tư vấn thì cũng ký vào biên bản bàn giao hàng hóa và hợp đồng trả góp. Đến sáng hôm sau khi chủ nhà xem giúp hợp đồng mới tá hỏa ra đó là hợp đồng vay nợ để mua hàng. “Khi đã lỡ mua sản phẩm, cả đêm tôi thức chong chong đến 3h sáng không thể nào ngủ được vì lo. Chủ nhà đã phải dẫn tôi lên hãng để xin trả lại hàng, vì tôi hoàn toàn không có khả năng trả món nợ lớn như vậy” – chị giúp việc cho hay.

Còn chị L. cho biết trong hành trình dài gần 2 tháng đi trả hàng, chị đã gặp hàng chục khách hàng của DeAura cũng gặp vấn đề tương tự vấn đề của chị. “Hợp đồng mua hàng họ soạn để co chữ 7, trong khi tôi biết co chữ tiêu chuẩn trong hợp đồng phải là 13, mắt tôi kém nhìn không rõ, hãng lại đưa cho tôi một hợp đồng không hề có chữ ký. Khi tôi đến cơ sở của hãng ở Thái Hà, Hà Nội, tôi gặp một khách hàng ở Bắc Ninh có hai má dày bì ra sau một thời gian dùng mỹ phẩm của hãng. Một khách hàng khác cho biết đã bị chồng chì chiết vì tự dưng thành nợ nần vì mua mỹ phẩm, chị ấy cũng bị bì ở da, những người này được trả lại hàng nhưng phải trả khoản tiền cho phần hàng đã bóc ra với giá rất đắt, khoảng 4 triệu đồng/hộp kem. Tôi cũng phải trả 5,2 triệu đồng cho mấy hộp kem đã bóc vỏ, đó là họ nói đã giảm cho tôi 50% giá, cùng với khoản tiền phạt vì ngưng hợp đồng với ngân hàng” – chị L. cho hay.

Ai sẽ hỗ trợ cho những phụ nữ có khao khát chính đáng là được làm đẹp, nhưng lại không may gặp “họa” trên hành trình làm đẹp? Đành rằng thuận mua vừa bán, nhưng với những thủ thuật kinh doanh “khó đỡ” khiến chủ doanh nghiệp cũng bị “dính tròng”, thì ai có thể tránh được?

Theo chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường, hợp đồng hãng soạn thì chắc chắn phải có lợi cho hãng, người thiệt thòi luôn là khách hàng. Khi đặt bút ký bất kỳ hợp đồng nào, các chị em đều phải cân nhắc và nghĩ thật kỹ lưỡng để tránh bị thiệt thòi và làm “người tiêu dùng thông thái”. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải những khách hàng đầu tiên lên tiếng về cách kinh doanh và mức giá sản phẩm kỳ lạ của DeAura, nhưng cho đến nay chưa hề có sự hỗ trợ khách hàng nào từ cơ quan chức năng, dẫn đến việc nhiều phụ nữ bị thua thiệt.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : kem dưỡng dangười tiêu dùngquản lýsở y tếThanh trathị trường

Các tin liên quan đến bài viết