Theo TS Vũ Đình Ánh, dù thu năm nay chắc chắn vượt dự toán, nhưng nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý.

Các chuyên gia bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề thu chi ngân sách.

Các chuyên gia bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề thu chi ngân sách.

Phát biểu tại tòa đàm “Sức bật nền kinh tế năm 2019” do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng nay (19/12), TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, vấn đề thu phí phát thải đang được bàn đến là “câu chuyện là đi tìm nguồn thu”.

Theo TS Vũ Đình Ánh, dù thu năm nay chắc chắn vượt dự toán, nhưng nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý.

“Về nhận định ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay thâm hụt ở mức thấp tôi cho rằng nên bỏ, vì con số về thâm hụt ngân sách Nhà nước phải đợi 1,5 năm nữa, tức là năm 2020 chúng ta mới biết thâm hụt năm 2018 là bao nhiêu. Tôi đã quan sát số quyết toán và số thực hiện lần 1, lần 2 năm 2019, đều cách rất xa lần đầu”, ông Ánh nói.

Theo vị chuyên gia, nghĩa vụ trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi của Việt Nam đã tăng vọt. Phần nợ sẽ chiếm hết phần NSNN vốn dùng để chi đầu tư. Nếu chúng ta không trả nợ được, sẽ liên quan tới vấn đề nặng nề hơn rất nhiều.

Nói về câu chuyện ngân sách Nhà nước, TS. Lưu Bích Hồ thẳng thắn: “Về nợ, chúng ta đang sống trên một núi nợ, không chỉ có hơn 60% nợ công. Nợ của chúng ta tất cả là 235% GDP, bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, nợ Chính phủ. Sống trên núi nợ thì làm ăn ra sao? Tiếp sau đây, nếu chịu thêm tác động của chiến tranh thương mại thì chúng ta ứng phó thế nào? Đông lực tăng trưởng ở đâu?”.

“Chúng ta nói về 4.0, nhưng Chính phủ phải là người đi đâu, triển khai Chính phủ điện tử, kết nối với doanh nghiệp. Tôi lo rằng sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính – ngân hàng và khu vực DNNN thì e là khó thoát khỏi vùng trũng tăng trưởng, khó đạt được mức 7%”, ông Hồ nói thêm.

Xung quanh những điểm nhấn của kinh tế Việt Nam 2018, chuyên gia kinh tế TS. Phạm Chi Lan cho biết, mối quan tâm xuyên suốt của bà là khu vực phát triển tư nhân Việt Nam nhưng thực tế vẫn chưa thật hài lòng.

“Riêng khu vực kinh tế tư nhân trong nước có một số đại gia đang nổi lên, chưa năm nào như năm 2018. Sự kiện gây kinh ngạc trong nước và nước ngoài là tập đoàn Vingroup tham gia vào ngành công nghiệp ô tô. Một mặt cho thấy đánh giá tích cực, theo hướng tư nhân sẵn sàng, có niềm vui, phấn khởi doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia dù rủi ro cao”, bà Lan nói.

Theo vị chuyên gia, năm 2018 đặt ra nhiều điểm mới trong sự phát triển khu vực tư nhân lớn, tuy nhiên về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, 98% tư nhân ở Việt Nam là vừa, nhỏ số này có nhiều vấn đề. Cụ thể, doanh nghiệp mới tăng lên 20 nghìn, nhưng đóng cửa ngừng hoạt động đạt kỷ lục mới. Ước tính khoảng 10 doanh nghiệp ra đời thì 7 ngưng hoạt động, đây là những khía cạnh rất đáng xem xét.

“Có sự phát triển khá lệch lạc trong sự phát triển. Nguồn lực của đất nước rơi vào doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp đại gia, 98% còn lại không có khả năng tiếp cận các nguồn lực, khó có điều kiện phát triển. Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng trong đó vẫn rất nhiều nghiên cứu VCCI thể hiện, việc này chưa thực chất mang lại lợi ích doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Bà cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, 2019 bắt đầu thực hiện CPTPP, nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn chết như thường. “Chúng ta phải đo những thước đo mới, đòi hỏi cao hơn. Việc vượt qua được thách thức thế nào còn là cả một vấn đề lớn. Đây là những điểm rất cần quan tâm trong khi đất nước hội nhập sang giai đoạn mới”, bà nói thêm.

Theo Dân Trí

Từ khóa : ô tôphí phát thảithu ngân sáchxe máy

Các tin liên quan đến bài viết