Những ngày qua, thông tin về việc 6 vận động viên thể hình và một số vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 dương tính với doping, trong đó có vận động viên điền kinh, đã gây “choáng” cho nhiều người.

Lãnh đạo thể thao: Nhận thức về doping rất yếu - Ảnh 1.

Vì sao có nhiều vận động viên Việt Nam sử dụng doping đến vậy và làm sao để kiểm soát nó là câu hỏi được đặt ra.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam và hiện là phó chủ tịch Liên đoàn Cử tạ – thể hình Việt Nam, cho biết nguyên nhân dẫn đến việc có thêm những vận động viên dương tính với doping là do sự thiếu hiểu biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Minh nói: “Việc vận động viên Việt Nam dương tính với doping cho thấy nhận thức của vận động viên, HLV và thậm chí một bộ phận lãnh đạo thể thao rất yếu. Trước vấn nạn doping của thế giới, thái độ của những người chơi thể thao, quản lý thể thao phải thế nào để đẩy lùi nó khỏi đời sống thể thao Việt Nam”.

Thiếu nhận thức về doping

Trung tâm Doping và y học thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) được thành lập năm 2011 là cơ quan phòng chống doping tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều năm qua do nhận thức về việc phòng chống doping còn hạn chế nên việc đầu tư của Nhà nước cho đơn vị này rất hạn chế.

Vì vậy, dù có một tòa nhà văn phòng khá lớn nhưng trung tâm chưa thể xét nghiệm doping cho vận động viên được bởi chưa có hệ thống máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn của WADA (cơ quan phòng chống doping thế giới).

Vì không thể xét nghiệm, công việc chính của trung tâm trong nhiều năm qua là: cập nhật kiến thức về doping, danh mục chất cấm hằng năm do WADA công bố để chuyển cho ngành thể thao; thực hiện công tác tuyên truyền về doping; phối hợp với các tổ chức lấy mẫu xét nghiệm doping…

Mẫu lấy xong sau đó phải chuyển sang Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản để xét nghiệm với chi phí khoảng 200 USD/mẫu.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết có 6 vận động viên thể hình được phát hiện dương tính với doping trong cuộc xét nghiệm trước thềm SEA Games 31 từ tháng 3-2022. Dù vậy đến thời điểm này Tổng cục Thể dục thể thao vẫn chưa ra thông báo chính thức về việc này để các vận động viên, HLV và lãnh đạo ngành thể thao địa phương – nơi quản lý vận động viên – nắm được.

Do các vận động viên này sử dụng doping trong thời điểm tập trung đội tuyển quốc gia nên phải có quyết định của Tổng cục Thể dục thể thao, sau đó mới có thể yêu cầu vận động viên giải trình. Trên cơ sở đó Liên đoàn Cử tạ – thể hình Việt Nam với sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Doping và y học thể thao mới có thể ra quyết định kỷ luật.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, ông Minh cho rằng có thể lãnh đạo ngành thể thao “quá bận”.

Vận động viên điền kinh Việt Nam không cố ý sử dụng doping

Liên tục trong các kỳ SEA Games gần đây, điền kinh Việt Nam đứng ở vị trí số 1 Đông Nam Á. Tại SEA Games 31 điền kinh giành được đến 22 HCV, ở SEA Games 30 là 16 HCV, bỏ xa đoàn Thái Lan.

Ông Dương Đức Thủy – nguyên HLV trưởng và trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục Thể dục thể thao từ năm 2004 đến 2021 – khẳng định với Tuổi Trẻ không có vận động viên, HLV nào của đội tuyển điền kinh Việt Nam đủ năng lực tự mua và sử dụng doping.

Ông Thủy nói: “Quản lý tại bộ môn điền kinh và đội tuyển quốc gia gần 20 năm, tôi hiểu rõ các bạn ấy. Vận động viên, HLV điền kinh Việt Nam thậm chí đưa doping cho cũng không biết sử dụng. Với trình độ của điền kinh Việt Nam hiện nay, chúng ta không cần dùng doping vẫn đứng số 1 Đông Nam Á”.

Về nguyên nhân dẫn đến việc có vận động viên điền kinh dương tính với doping, ông Thủy cho rằng đến từ sự thiếu hiểu biết của vận động viên, HLV.

“Trường hợp nếu có người dương tính với doping, tôi cho rằng đến từ những yếu tố như: thiếu hiểu biết, cẩu thả trong sinh hoạt và điều trị chấn thương, quản lý vận động viên lỏng lẻo, hay cả việc thuốc và thực phẩm chức năng được bán tràn lan ở bên ngoài mà không có sự kiểm soát của Nhà nước.

Khác với các quốc gia phát triển phải có đơn của bác sĩ mới được mua thuốc thì ở Việt Nam có thể dễ dàng mua nhiều thứ ở hiệu thuốc”, ông Thủy nói.

Tự mày mò điều trị chấn thương

Không chỉ ở đội tuyển điền kinh Việt Nam, vận động viên ở nhiều môn vẫn thường phải tự mày mò cách điều trị khi mắc phải chấn thương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phụ huynh một vận động viên ở đội điền kinh Việt Nam nói: “Con tôi ở đội tuyển nhiều năm, chấn thương nhiều nhưng khám và điều trị ở trung tâm thì chậm lắm, lâu khỏi. Con đau chờ được đi chụp MRI thì chẳng biết đến bao giờ nên gia đình và con cứ chủ động đi viện khám, phải bỏ tiền túi nhiều lần.

Con tôi và nhiều vận động viên khác ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) cũng thường xuyên ra ngoài châm cứu, đắp thuốc nam khi bị chấn thương. Tất cả cũng chỉ vì sốt ruột mong được đi tập, muốn có thành tích khi thi đấu”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dopingNhận thức về dopingthể thao Việt Nam

Các tin liên quan đến bài viết