Các nhà văn hóa buồn bã trước nguy cơ văn hóa các tộc người thiểu số bị mai một, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN vốn mang chức năng ‘tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống’ cũng bối rối khi vận hành.
Văn hóa của đồng bào chỉ có được ở nơi đồng bào sống với cộng đồng của mình, núi rừng của mình. Chúng ta đang lấy ra những mẫu người, chọn ra một mẫu văn hóa để trình diễn ở làng như thế là rất nghèo nàn về phát triển văn hóa dân tộc
Ông PHAN THANH BÌNH (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình vừa có buổi lắng nghe ban quản lý Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam. Ông Bình đặc biệt quan tâm tới câu chuyện đưa đồng bào dân tộc tới làng ở.
Đại diện ban quản lý làng cho biết hiện làng thường xuyên có khoảng 150 người của 13 dân tộc thiểu số sinh sống. Các địa phương luân phiên 3 tháng 1 lần cử một đoàn người dân tộc lên với làng.
Nhưng cũng có nhóm gia đình sống lâu hơn, có gia đình đã sống hơn 2 năm ở làng. Họ làm nghề truyền thống rồi bán luôn cho khách tham quan, cũng trồng rau, nuôi gà, dê…
Trước đây, đồng bào lên làng sống theo hình thức Nhà nước trả lương 100%. Sau đó Bộ Tài chính cho rằng mô hình này không thể bền vững, bà con lên với làng cũng rất thụ động. Làng đã bàn với bà con và thống nhất phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Làng thu phí tham quan và ngân sách cùng hỗ trợ 3 triệu đồng cho hộ gia đình có nghề truyền thống sống ở làng và 2 triệu đồng cho một người sống trong 1 tháng, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng thì được 700.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, toàn bộ dịch vụ du lịch như làng nghề thủ công, ẩm thực, dân ca dân vũ mà bà con cùng các công ty lữ hành tổ chức sẽ được các công ty lữ hành trả tiền. Khoản tiền này gấp hai, ba lần nguồn từ Nhà nước trả cho bà con nên nhiều bà con rất gắn bó ở đây.
Ông Bình cho rằng cách làm này không khác gì Nhà nước đang trả lương cho những diễn viên dân tộc sống ở đây. “Chúng ta biến đồng bào thành những diễn viên, mà những diễn viên ấy càng ngày càng nghèo nàn hơn trong văn hóa, vì họ chỉ có 10-15 người sống với nhau ở nơi không phải núi rừng của họ” – ông Bình nói.
Ông chỉ ra chỉ có hai con đường phát triển cho Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam. Một là chỉ để phát triển du lịch. Mục đích này không thể đạt được theo cách làm hiện nay. Con đường thứ hai là phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc như mục đích ban đầu đặt ra của làng. Cái này càng không thể đạt được với cách “bứng” đồng bào tới làng sống vài tháng.
Trước ý kiến này, ông Lê Quang Anh – quyền trưởng ban quản lý làng – thành thật thổ lộ họ đang cảm thấy mình “như một con thuyền tròng trành” trong quản lý vận hành, khai thác làng.
“Chúng tôi băn khoăn không biết có nên đưa làng trở thành sản phẩm du lịch không? Còn phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thì phải làm cách nào? Không lẽ đồng bào lên đây để Nhà nước nuôi ư? Để bảo tồn được cái gì?” – ông Quang Anh đưa ra câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết trong tháng 12, bộ sẽ trình lên Chính phủ đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN với điểm mới căn bản là sẽ chuyển đơn vị này thành đơn vị sự nghiệp công lập, phải tự chủ tài chính. Dự kiến việc đổi mới này sẽ bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2019.
Nguồn: tuoitre.vn