Bàu Trúc, làng gốm cổ xưa của còn sót lại, cùng với Lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận vừa được trao bằng chứng nhận di sản văn hóa quốc gia.

Làng gốm Bàu Trúc và Lễ hội Katê trở thành di sản quốc gia - Ảnh 1.

Hàng ngàn đồng bào Chăm cùng du khách trong và ngoài nước về dự Lễ hội Katê Chăm Ninh Thuận tại tháp Pô Klong Girai – phường Đô Vinh, TP Phan Rang-Tháp Chàm sáng 19-10

“Lễ hội Katê gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành nét đẹp truyền thống trong cộng đồng Chăm Ninh Thuận.

Vì vậy lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ bảo tồn, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa của người Chăm”, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nói.

Ngày 20-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ công bố quyết định chứng nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Bằng chứng nhận di sản này đã được trao cho làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Bàu Trúc, một làng gốm của cộng đồng người Chăm, được xem là một làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á còn sót lại ở Ninh Thuận.

Các sản phẩm gốm của làng được làm từ nguyên liệu đất sét, qua bàn tay nhào nặn thủ công từ các nghệ nhân người Chăm, sau đó được nung đốt bằng rơm.

 Ông Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết việc trao bằng chứng nhận này  ghi nhận nỗ lực bảo tồn truyền thống nghề gốm, đồng thời quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc.

Trước đó, ngày 19-10, tại tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công bố quyết định và trao bằng “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Tại buổi lễ, Cả sư trụ trì tháp Pô Klong Garai cho biết Lễ hội Katê có các nghi thức lễ rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng, mặc áo cho thần Pô Klong Girai, là vị vua trị vì từ 1151-1205.

Đây là dịp để đồng bào Chăm tỏ lòng tôn kính đến với tổ tiên và thần Pô Klong Garai vì có công dẫn thủy nhập điền và dâng cúng lễ vật cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ công bố và trao hai bằng chứng nhận nêu trên nhân vào ngày mồng 1-7 theo lịch Chăm diễn ra Lễ hội Katê 2017 của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn.

Nhân dịp này, hàng chục ngàn người Chăm cùng du khách trong và ngoài nước đã đến ba điểm tháp Chăm là Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước) cùng 24 làng Chăm vui đón lễ hội Katê.

Làng gốm Bàu Trúc và Lễ hội Katê trở thành di sản quốc gia - Ảnh 3.

Ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, tặng hoa cho đồng bào Chăm 

Làng gốm Bàu Trúc và Lễ hội Katê trở thành di sản quốc gia - Ảnh 4.

Ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cùng phu nhân tham dự lễ trao bằng chứng nhận

Làng gốm Bàu Trúc và Lễ hội Katê trở thành di sản quốc gia - Ảnh 5.

Các nghi thức rước y trang, dâng lễ vật cúng Thần và tiết mục múa Chăm tại Pô Klong Girai 

Làng gốm Bàu Trúc và Lễ hội Katê trở thành di sản quốc gia - Ảnh 6.

Nghệ nhân Chăm đang nhào nặn đất sét, chế tác sản phẩm gốm Chăm tại lễ công bố và trao bằng chứng nhận tại làng nghề Bàu Trúc vào sáng 20-10 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bàu TrúcChăm Ninh Thuậndi sản văn hóa quốc gialễ hội Katengười Chăm Ninh ThuậnNinh ThuậnPô Klong Girai

Các tin liên quan đến bài viết