Cuộc thi “Lan tỏa chuyện nghề 4.0” chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được hàng trăm câu chuyện với đa dạng mọi lĩnh vực. Ban tổ chức đã chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Lan tỏa chuyện nghề 4.0: Đưa cơ khí Việt vươn ra thế giới đầy tự hào - Ảnh 1.

ng nhân trong nhà máy Công ty Lập Phúc 

Cuộc thi nằm trong Diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ” năm 2022, do báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức, với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Khởi động từ ngày 27-10 đến 10-12-2022, cuộc thi đã thu hút đông đảo bạn đọc, từ các bạn sinh viên tới những doanh nhân gửi bài tham gia với những câu chuyện cụ thể trong quá trình lập nghiệp, tinh thần sắt đá vượt qua chông gai, cùng nỗ lực “chuyển mình” tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đã có những chia sẻ rằng, để đạt những thành tựu trong mảng công nghiệp vốn tỉ suất lợi nhuận thường không cao bằng nhiều ngành khác, doanh nghiệp trải qua không ít chông gai, thậm chí có những khoản nợ khổng lồ. Bằng tình yêu nghề, kiên trì cải tiến công nghệ, doanh nghiệp Việt đã bước sang trang mới với những lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Rồi những quyết tâm làm công nghiệp hỗ trợ, mặc cho những băn khoăn của bạn bè sao không để mảnh đất rộng và số tiền lớn đó làm bất động sản, lãi nhanh hơn. Kết quả, doanh nghiệp làm ăn bài bản đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp hàng loạt linh kiện cơ khí cho các “ông lớn” như Tesla, GM Motor, Samsung…

Câu chuyện trăn trở của doanh nhân Lê Mai Hữu Lâm – Tổng giám đốc công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, từ khi thành lập từ một doanh nghiệp thương mại, ban giám đốc đã xác định phải làm một điều gì mang lại giá trị cho xã hội hơn là chỉ đơn thuần mua – bán và thu lợi nhuận.

Công ty thành lập nhà máy sản xuất cơ khí hỗ trợ ngành xây dựng cơ điện (M&E) nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Và rồi những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Myanmar, Campuchia, Philippines, Singapore và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Toshiba trong các dự án tại châu Á.

Sản phẩm Cát Vạn Lợi cũng có mặt tại nhiều công trình công nghiệp trọng điểm: Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, nhà máy nhiệt điện Vân Phong, nhà máy lọc dầu Long Sơn… và là cung cấp chính cho hơn 20 nhà thầu Nhật Bản tại Việt nam.

Hay như câu chuyện của anh Trần Văn Quyết “Kỹ sư làng” sáng chế máy cắt kính bán ngược sang Trung Quốc” ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ khi biết anh lớn lên trong một gia đình nông dân, chỉ được học hết lớp 7.

Hàng trăm câu chuyện về những tấm gương lặng thầm của các doanh nhân đóng góp cho ngành công nghiệp, cho xã hội, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng ít ai biết đến. Những tấm gương này, ban tổ chức kỳ vọng sẽ lan toả tinh thần xã hội sản xuất, thúc đẩy dấn thân mạnh mẽ hơn, cả trí lực và vật lực vào sản xuất công nghiệp.

Ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đánh giá chỉ trong thời gian ngắn, ban tổ chức nhận được nhiều bài dự thi của bạn đọc với đa dạng lĩnh vực. Thực tế, công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi bắt nguồn từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính những câu chuyện thực tế trên, có thể thấy thông điệp lĩnh vực cơ khí chế tạo tiềm năng nhưng muốn phát triển cần về chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đặt trong bối cảnh chạy theo bất động sản, tài chính ngân hàng, nhiều ý kiến đặt vấn đề: ai là người thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ phát triển? Cuộc thi đã góp thêm góc nhìn, giúp nhà quản lý rà soát về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thuế… từ đó có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, bài toán về nguồn lực, bạn trẻ tham gia vào lĩnh vực cơ khí cũng cần được tính toán phù hợp.

Cuộc thi cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng của các doanh nhân, chuyên gia, nhà quản lý để hun đúc, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từng bước xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuỗi cung ứngChuyện nghề thời 4.0Cơ khíhàng nhập khẩu

Các tin liên quan đến bài viết