Lan đột biến bán giá đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng đến thời điểm này, các cơ quan chức năng chưa xác thực được các hóa đơn, hợp đồng giao dịch của các thương vụ này.

Mọi giao dịch liên quan đến bán lan đột biến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đều dưới dạng truyền tai nhau, bằng hình ảnh chụp trên mạng xã hội.

Theo chia sẻ của một chuyên gia về thuế của Tổng cục Thuế, các trường hợp lan chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng tại Phú Thọ, Hòa Bình hay mới đây là Hà Nam đều được giới thiệu rầm rộ tên tuổi của cả bên bán lẫn bên mua. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra nguồn tiền, giao dịch đều không có.

Trả lời phóng viên báo Dân trí chiều nay, 17/3, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho biết: Các cơ quan chức năng vẫn đang rà soát, điều tra, chưa có thông tin về giao dịch. Trước đó, cơ quan này cho biết, có đến 99% giao dịch lan đột biến Bảo Duy giá trị gần 19 tỷ đồng là giả.

Lan đột biến chục tỷ đồng: Hào nhoáng như đa cấp và rủi ro sập bẫy
Các thương vụ mua, bán lan đột biến trên mạng đều ghi rõ tên, số tiền và hình ảnh người mua vì nhiều mục đích khác nhau 

Theo chuyên gia của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính: “Nhiều khả năng các đối tượng cố tình tung tin nhằm gia tăng hội viên, xây dựng mạng lưới chơi lan, buôn bán lan đột biến. Cơ quan chức năng đang xem xét việc có nâng khống giá trị mặt hàng này hay không để có chế tài xử lý, tránh gây hoang mang dư luận và các hành vi biến tướng”.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, người chơi lan tại Hòa Bình, xu hướng săn lùng lan, mua lan đột biến xuất hiện rầm rộ từ 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, phần lớn các loại lan đột biến hiện được bán theo ki (keiki – chồi non mọc ra từ cây mẹ, dài từ vài cm)… với giá cao ngất ngưởng từ trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Điều khiến những người chơi lan dễ bị lừa là giao dịch chủ yếu không hợp đồng, chứng thực của cơ quan chức năng để không phải có nghĩa vụ thuế. Chính vì vậy, các cam kết của người bán với người mua về loại lan đều không có chứng thực, đều dựa vào trên niềm tin, theo số đông.

“Thực tế, có hội nhóm chơi lan với nhau, chung nhau số tiền hàng tỷ đồng để cắt cử một người nuôi, nhân giống. Sau đó, hội chơi lan này sẽ bán qua lại với nhau để hưởng chênh lệch. Dĩ nhiên, chuyện bán qua tay người khác đều không có chứng từ, hợp đồng”, ông Hoàng cho hay.

Lan đột biến chục tỷ đồng: Hào nhoáng như đa cấp và rủi ro sập bẫy
Loại lan đột biến 5 cánh trắng đang được nhiều người chơi lan thổi phồng giá trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng 

Các giao dịch bán lan tiền tỷ đều được kê khai là sản phẩm nông nghiệp, bán trao tay. Người này bán cao, người khác cũng ăn theo hình thành hội nhóm bán lan đột biến.

Theo chuyên gia thuế của Tổng cục Thuế, nhiều đường dây bán lan đột biến giả hoặc bị đẩy giá quá cao khiến tình trạng “bong bóng” hoa lan có thể vỡ bất cứ lúc nào và người chịu hệ quả chính là những người không có thông tin, mua và đầu tư lan đột biến theo phong trào.

Mới đây, hàng loạt địa phương phía bắc, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, bắt nhiều đối tượng bán lan đột biến giả với số tiền hàng tỷ đồng.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, tại Hà Nam mới đây xuất hiện thương vụ giao dịch lan đột biến Bảo Duy có giá gần 19 tỷ đồng. Người tham gia mua và bán lan số tiền “khủng” sẵn sàng in cả phông bạt, biển tên để nhằm tạo dư luận, chứng thực.

Tuy nhiên, qua kiểm tra và thông tin bước đầu của Cục Thuế tỉnh Hà Nam, cơ quan chức năng xác định: 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng dùng chiêu bài để câu khách, khuấy động đường dây mua bán lan đột biến nhằm dụ dỗ người chơi.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đa cấplan đột biếnlừa đảomục đích

Các tin liên quan đến bài viết