Theo CNET, dựa trên báo cáo do Liên hợp Quốc công bố, một máy bay không người lái (drone) có khả năng hạ gục mục tiêu đã tự động “truy đuổi một mục tiêu là con người” mà không có sự can thiệp của người điều khiển.
Nỗi sợ hãi về khả năng robot tự động tấn công và giết người từng được Elon Musk và Sam Harris cảnh báo, AI chính là mối đe dọa nghiêm trọng với nền văn minh nhân loại.
Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc có thể làm gia tăng thêm nỗi sợ hãi về AI và robot, vì nó cho biết một máy bay không người lái đã tấn công và có thể giết chết tất cả binh lính.
Đây được cho là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái không có sự can thiệp của người điều khiển.
STM Kargu-2 có khả năng tự động tấn công mục tiêu |
Vụ việc được ghi nhận vào tháng 3 năm ngoái tại Libya, quốc gia đang trong thời kỳ nội chiến. Theo Báo cáo của Hội đồng chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay không người lái STM Kargu-2, vốn được gọi là “vũ khí tự trị gây chết người”, nhằm tìm và tấn công Lực lượng vũ trang Haftar của Libya (HAF).
Báo cáo cho biết, các đoàn xe hậu cần và lực lượng phía sau đã bị săn lùng và tác chiến từ xa bởi các hệ thống vũ khí tự động sát thương như STM Kargu-2. Cụ thể, STM Kargu-2 đã tự động tấn công một người lính khi anh này cố gắng rút lui.
“Hệ thống vũ khí tự hành chết người được lập trình để tấn công mục tiêu mà không cần kết nối giữa nó và người điều khiển”, báo cáo từ Liên hợp Quốc cho biết.
Cũng trong báo cáo, Zak Kellenborn, nhà cố vấn an ninh quốc gia chuyên về các hệ thống không người lái và máy bay không người lái, khẳng định rằng đây là lần đầu tiên một hệ thống vũ khí tự hành tấn công con người mà không có chỉ thị.
Jack Watling, một nhà nghiên cứu về chiến tranh công tác tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), nói với New Scientist rằng sự cố này cho thấy cần thảo luận gấp về các quy định liên quan vũ khí tự hành.
Năm 2018, Liên Hợp Quốc đã cố gắng bắt đầu thực hiện một hiệp ước cấm vũ khí tự trị, nhưng động thái này đã bị cả Mỹ và Nga ngăn cản. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã vận động chống lại những loại vũ khí này từ năm 2013, đồng thời ủng hộ một chiến dịch ngăn chặn phổ biến vũ khí nguy hiểm này.