Quá trình chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy lọc dầu Hòa Tâm, cựu chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) cùng các đồng phạm đã làm trái quy định, gây thiệt hại 9,2 tỉ đồng.

Làm trái trong bồi thường giải phóng mặt bằng, cựu chủ tịch huyện nhận 7 năm tù - Ảnh 1.

16 bị cáo nghe tòa tuyên án 

Sau 3 ngày xét xử, trưa 16-11, TAND tỉnh Phú Yên tuyên án 16 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tòa tuyên cả 16 bị cáo trong vụ án này đều phạm tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Bị cáo Nguyễn Tài (59 tuổi, cựu chủ tịch UBND huyện Đông Hòa) là người phải nhận mức án cao nhất: 7 năm tù. Bị cáo Huỳnh Ngọc Sương (62 tuổi, cựu phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa kiêm trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng dự án) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Có 3 bị cáo từng là cán bộ các phòng của huyện Đông Hòa bị phạt 1 năm đến 1 năm 3 tháng tù; 7 bị cáo khác được cho hưởng án treo.

Ở nhóm 4 bị cáo bị phạt về 2 tội danh, bị cáo Nguyễn Kích (cựu giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, phó trưởng ban thường trực Ban bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, tổ trưởng tổ kiểm kê) nhận mức án cao nhất với tổng hợp hình phạt là 5 năm 6 tháng tù; Huỳnh Ngọc Thắng (cựu phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện): 4 năm 6 tháng tù; Bùi Xuân Quang và Trần Trọng Duy (đều là nhân viên Trung tâm phát triển quỹ đất huyện) lần lượt nhận các mức án 3 năm và 2 năm tù.

Theo bản án, từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014, trong quá trình thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Nhà máy lọc dầu Hòa Tâm, bị cáo Nguyễn Tài và 14 cán bộ cấp dưới của huyện, xã cùng ông Nguyễn Hữu Phí (người dân ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa) đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đó là: bồi thường về đất không đủ mật độ cây trồng, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương 9 trường hợp; lập hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 đối tượng, đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 9,2 tỉ đồng. Tòa tuyên các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại nêu trên với các mức cụ thể cho từng người.

Các bị cáo Thắng, Duy, Quang được xác định vì nể nang và muốn giúp Nguyễn Kích hưởng lợi trái pháp luật, nên lập hồ sơ bồi thường về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 405 triệu đồng. Kích biết nhưng vẫn đồng ý để Thắng, Duy, Quang làm và nhận toàn bộ số tiền trên. Tòa tuyên cả 4 bị cáo này còn phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến nay, bị cáo Kích đã trả lại toàn bộ số tiền sai phạm đã nhận.

Vụ án này được TAND tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm lần đầu vào tháng 9-2016, sau đó bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy án điều tra lại theo thủ tục chung. Vào tháng 11-2019, phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai được xét xử, nhưng sau đó cũng bị tòa án cấp trên hủy án để điều tra lại. Đây là lần thứ ba TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bồi thườngCố Ý Làm Tráigiải phòng mặt bằng

Các tin liên quan đến bài viết