Câu hỏi đầy trăn trở ấy khiến lòng người lao xao từ những ngày đầu bắt tay vào dạy học online, qua truyền hình và các phần mềm công nghệ.
Cha mẹ, anh chị thi cùng
Học sinh của tôi đã mách nhau cách chia sẻ đáp án trên các hội, nhóm bằng cách sử dụng song song hai thiết bị điện tử trong đợt kiểm tra trực tuyến vừa qua. Rồi tình trạng con cái nhờ cha mẹ, anh chị thi cùng, thi hộ và hỗ trợ hết mình hòng đạt điểm cao đang xảy ra nhan nhản. Thậm chí, các cháu tiểu học từng tham gia thi trực tuyến mà bên cạnh là gia sư dạy kèm cũng không phải là hiện tượng hiếm…
Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế để thấy rằng không ít trường hợp “gian lận” trong kiểm tra trực tuyến đã và đang thử thách giáo viên phải phân định chất lượng thực và giá trị ảo, đánh giá đúng đắn và sát sao năng lực thực tế của người học cũng như không ngừng trau dồi kỹ năng ra đề, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá…
Dạy học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến trong bối cảnh hiện tại là một tình thế bất khả kháng buộc chúng ta phải thích ứng và nỗ lực chia sẻ khó khăn, vượt qua thử thách cùng nhau. Hãy chuyển động cùng cái mới và vun bồi sự đồng thuận giữa nhà trường – gia đình chính là yêu cầu căn bản để chúng ta hỗ trợ, đỡ nâng con trẻ vượt qua giai đoạn chông chênh này!
Hạn chế thuộc lòng, ghi nhớ kiến thức
Tạo sự khách quan trong kiểm tra đánh giá, điều này không khó nếu làm được những điều sau:
Thứ nhất, người thầy cần chủ động đổi mới kiểm tra thi cử bằng nhiều hình thức khác nhau bên cạnh thi viết truyền thống như: vấn đáp, bài tập nhóm, dự án…
Chúng ta đề cập khá nhiều về việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng mở, giờ là thời điểm thích hợp để ứng dụng những cách thức kiểm tra hạn chế việc học thuộc lòng, ghi nhớ đơn thuần, sao chép kiến thức! Mỗi môn học đều có thể linh hoạt xây dựng bộ đề kiểm tra với những bài tập, yêu cầu hướng sâu hơn vào việc đánh giá năng lực và phẩm chất phù hợp với đặc trưng bộ môn.
Thứ hai, chúng ta hãy cởi trói tư duy xưa cũ về thành tích, điểm số, danh hiệu đang khiến bọn trẻ học mải miết chạy đua cùng áp lực học hành. Kiểm tra thường xuyên và các bài thi giữa kỳ là một hình thức đánh giá giúp nhà trường nắm bắt chất lượng giáo dục, là cơ sở giúp giáo viên điều chỉnh quá trình dạy học và tạo động lực cho học sinh tự soi chiếu, điều chỉnh ý thức học tập, phương pháp tự học.
Khẳng định như thế, chúng ta hãy để trẻ bắt tay thực hiện các bài thi với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái nhất có thể. Đừng dồn ép áp lực thành tích buộc con phải đạt điểm số tuyệt đối, danh hiệu xuất sắc khiến trẻ loay hoay tìm sự trợ giúp và “gian lận” khi kiểm tra!
Thứ ba, mối quan hệ hai chiều nhà trường – gia đình cần tạo được sự đồng thuận, gắn kết chặt chẽ để quá trình kiểm tra tiến hành suôn sẻ, khách quan, minh bạch. Giáo viên cần trao đổi cởi mở với phụ huynh về ý nghĩa và giá trị đích thực của các đợt kiểm tra, nhấn mạnh về cách thức hỗ trợ trẻ trong quá trình làm bài một cách tích cực và trong sáng.
Lập ý thức tự học cho trẻ
Phụ huynh cần tạo lập cho con trẻ ý thức tự học, tự lực khi làm bài kiểm tra. Tính trung thực trong thi cử, kể cả kiểm tra trực tuyến rất cần được vun bồi bằng lời nhắc nhở thường xuyên và nghiêm túc nhất. Đặc biệt, cha mẹ hãy chấp nhận điểm số chưa “đẹp”, thành tích chưa như ý của trẻ. Từ đây, chúng ta mới đo lường được chất lượng học tập trực tuyến để đánh giá khách quan, minh bạch quá trình dạy học và có giải pháp điều chỉnh phù hợp!
“Chúng ta hãy để trẻ thực hiện các bài thi với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái nhất có thể. Đừng dồn ép áp lực thành tích buộc con phải đạt điểm số tuyệt đối, danh hiệu xuất sắc khiến trẻ loay hoay tìm sự trợ giúp và gian lận khi kiểm tra.
Nguồn: tuoitre.vn