Hiện nay có tín hiệu vừa mừng nhưng cũng vừa lo khi số lượng người bị trầm cảm tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của mình ngày càng nhiều.
Số lượng này càng đông cho thấy sự bất ổn sức khỏe tinh thần ngày càng tăng, nhưng dấu hiệu tích cực là mọi người đã quan tâm đến vấn đề trầm cảm chủ động hơn.
Những thông tin về tự tử vì trầm cảm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều như hồi chuông cảnh báo cho mọi người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Nhưng tiếp cận được giữa người bệnh và nhà trị liệu vẫn còn nhiều rào cản.
“Định kiến” về bệnh trầm cảm
Trong quá trình tham vấn và trị liệu tâm lý, thường hay diễn ra trường hợp bố mẹ, vợ chồng, anh chị em, thậm chí là bạn bè đồng nghiệp đã đặt lịch khám cho người thân của mình, nhưng chính người đang có triệu chứng trầm cảm lại phủ nhận, không chấp nhận mình đang bị bệnh để phải điều trị. Trong khi đó, việc trị liệu tâm lý thành công rất cần sự phối hợp của người bị trầm cảm với nhà trị liệu tâm lý và các nguồn lực hỗ trợ từ gia đình, người thân.
Trầm cảm là một bệnh về rối loạn tâm thần cần được mọi người nhìn nhận thẳng thắn, không trốn tránh bằng những từ nói nhẹ nói tránh như “gặp khó khăn”, “có vấn đề về tâm lý”.
Trầm cảm cần được trị liệu đúng phương pháp, có thể cần điều trị bằng thuốc, kết hợp quá trình thực hành bài tập theo hướng dẫn của nhà trị liệu để kiểm soát cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ và chủ động hành vi.
Vì thế, để hỗ trợ người bị trầm cảm không chỉ đơn giản là cho những lời tư vấn, khuyên bảo, động viên để tự giải quyết vấn đề. Mà thực sự cần có sự hỗ trợ và can thiệp của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị sức khỏe tâm thần.
Phải làm cho người bệnh hợp tác
Rào cản lớn nhất là ở “định kiến” của người bệnh về chính căn bệnh của mình và khó khăn trong việc tìm kiếm nhà trị liệu phù hợp.
Thói quen sống khép kín, thiếu sự cởi mở, sự tin tưởng với người thân khiến người bệnh không đủ can đảm đối diện với các sang chấn tâm lý của mình.
Họ né tránh với những biểu hiện trầm cảm. Họ sợ bị đánh giá về mình. Nhiều khi những câu nói vô tình “tại tính nó thế thì bị vậy chứ ai làm gì đâu” hoặc “nếu tại gia đình thì sao những đứa khác không bị gì mà nó lại bị như vậy”… khiến người thân mất dần đi “nội lực” để có khả năng tự chịu trách nhiệm với những thất bại của mình, không dám đối diện với vướng mắc để tháo gỡ, không vượt qua được những trở ngại do tác động của cuộc sống.
Và nguy hiểm khi họ tự mặc định “mình là người yếu đuối, vô dụng”, họ không tin mình còn có thể thay đổi được gì, đó là số phận nên họ phải chịu như vậy trong suốt cuộc đời mình, hoặc đau đớn hơn “chỉ có cái chết mới giải thoát được sự cô đơn bên trong họ” và có nhiều cái chết với những bức thư tuyệt mệnh xảy ra liên tục hiện nay.
Bên cạnh một số người được người thân quan tâm, có nhiều trường hợp người thân lại chính là rào cản người trầm cảm được điều trị. Bởi họ không nghĩ đây là bệnh, không ưu tiên cho việc trị liệu. Thông thường mọi người quan trọng việc đau thể xác hơn là sức khỏe tâm thần. Khi có những bệnh lý trên cơ thể, họ dễ dàng nhận biết và gọi tên triệu chứng, họ có thể dùng thuốc giảm đau và triệu chứng có thể giảm. Nhưng những triệu chứng liên quan tới sức khỏe tâm thần được đánh giá qua chính cảm nhận người bệnh trong một thời gian dài âm ỉ, lặng lẽ, kéo dài. Người thân khó để nhận biết và chia sẻ điều này.
Trầm cảm không “né” ai
Trầm cảm có thể xuất hiện với bất cứ ai. Chính vì thế mà đối tượng nhà trị liệu tiếp cận ngày càng rộng hơn, đa dạng hơn nhưng từ đây lại chính là khó khăn. Mỗi giới tính, độ tuổi, ngành nghề sẽ có đặc thù khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của từng đối tượng để nhà trị liệu có kế hoạch trị liệu khác nhau.
Khó khăn cho nhà trị liệu là nhiều thân chủ tự phá vỡ khung trị liệu. Nếu người trầm cảm không tuân theo quy trình mà ngừng nửa chừng, những triệu chứng trầm cảm sẽ không chấm dứt mà nguy cơ tái phát rất cao, lặp lại nhiều lần, giảm khả năng “ứng phó” mỗi lần tái phát.
Nguồn: tuoitre.vn