Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng nay (26-10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Góp ý vào dự thảo luật này, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang cho rằng: Cần phải làm rõ quy định cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang là chủ yếu để tránh chồng chéo chức năng của lực lượng chuyên trách khác về bảo vệ an ninh quốc gia.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc thù; làm rõ vai trò nòng cốt, về vai trò chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang trong bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời làm rõ quy định cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang là chủ yếu để tránh chồng chéo chức năng của lực lượng chuyên trách khác về bảo vệ an ninh quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước và lực lượng Công an tỉnh dự ở điểm cầu tỉnh Bình Phước
Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất với nội dung quy định tại Điều 9 dự thảo luật quy định về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động – có kế thừa các quy định từ Pháp lệnh cảnh sát cơ động năm 2013 và có bổ sung một số nhiệm vụ mà cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định của Luật Công an Nhân dân và các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, ban soạn thảo bám sát chức năng “làm nòng cốt” thực hiện biện pháp vũ trang” của lực lượng cảnh sát cơ động để nghiên cứu, rà soát và chỉ nên quy định những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang cho cảnh sát cơ động chủ trì khi có tình huống phức tạp về an ninh trật tự đang diễn ra để thấy rõ hơn vai trò đặc thù của cảnh sát cơ động. Đồng thời hạn chế sử dụng cảnh sát cơ động thực hiện một số nhiệm vụ của các lực lượng, đơn vị khác trong công an nhân dân đảm nhiệm và các cơ quan, đơn vị có liên quan, như: lực lượng hải quan trong phạm vi của hoạt động của hải quan, các đơn vị quân đội: cảnh sát biển trên các vùng biển Việt Nam, bộ đội biên phòng trên khu vực biên giới cửa khẩu.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự ở điểm cầu tỉnh Bình Phước
Liên quan đến hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất quy định: “hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động bao gồm: Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, cảnh sát cơ động công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này. Vì lực lượng cảnh sát cơ động là đơn vị được xác định xây dựng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại, vì vậy phải có hệ thống tổ chức hoàn thiện, khoa học, hợp lý theo quy định của pháp luật. Việc giao Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tính thống nhất theo pháp luật hiện hành và trong tổ chức lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về huy động người, phương tiện, thiết bị, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: Thực tiễn việc huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động là cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt; góp phần vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, quy định này cũng tác động đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân. Do vậy, cần quy định rõ hơn về phương thức, cách thức mà cảnh sát cơ động, cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ cảnh sát cơ động. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này để phù hợp với các quy định của Luật Công an Nhân dân và nguyên tắc, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị, của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách.
Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang đóng góp ý kiến cho dự thảo luật tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Đối với phạm vi hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt có vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang; có vai trò chuyên trách, tinh nhuệ, hiện đại trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân.
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động được xây dựng gồm 5 chương, 31 điều. Sáng nay, tại phiên thảo luận đã có 35 đại biểu phát biểu ý kiến, 7 ý kiến tranh luận về dự thảo luật này. Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh cảnh sát cơ động năm 2013 là cần thiết và quan trọng, phát huy tối đa chức năng, quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động.
Theo Báo Bình Phước