Xe của hãng BMW (Đức) tại triển lãm Auto China 2016 ở Bắc Kinh |
Ngày mai (1-6), đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ có cuộc thảo luận tại Brussels (Bỉ), trong đó nhấn mạnh về vấn đề thương mại hai chiều. Trong thời gian qua, Bắc Kinh gặp nhiều sức ép về việc tạo ra một môi trường thuận lợi, tăng cường khả năng tiếp cận cho công ty nước ngoài. Bắc Kinh bị tố cáo thường tuyên bố “luôn chào đón doanh nghiệp nước ngoài”, nhưng trên thực tế các công ty nước ngoài thường phàn nàn về thái độ phân biệt đối xử mà họ bị hứng chịu. Một khảo sát về niềm tin doanh nghiệp do Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố ngày hôm nay (31-5) cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa thể khiến doanh nghiệp nước ngoài an tâm. Hãng tin AFP dẫn thông tin cho biết có 49% trong số 570 doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết việc hoạt động ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn từ năm 2016, dù có giảm so với mức 56% của khảo sát năm 2015. Tuy nhiên có 45% nói rằng khó khăn ấy “vẫn như cũ”, so với 38% của năm 2015. Trong cả hai năm khảo sát này, một tỉ lệ ổn định 6% nói rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc được cải thiện.Tuy vậy, có 54% người khẳng định công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang bị đối xử thiếu công bằng so với các đối thủ nội địa ở Trung Quốc. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong các quy định về môi trường, khi đa số các công ty từ châu Âu nói rằng doanh nghiệp nước ngoài là đối tượng bị luật pháp Trung Quốc làm nghiêm hơn so với công ty nội địa Trung Quốc. Hơn một nửa số câu trả lời trong khảo sát cũng nói việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với doanh nghiệp của họ không hề tăng lên. Ông Mats Harborn, chủ tịch của Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói thẳng: “Các công ty châu Âu không ngại việc cạnh tranh, họ chỉ muốn cạnh tranh trong môi trường công bằng mà thôi”. Trong khảo sát nêu trên, đối tượng đa phần là những công ty nước ngoài đã hoạt động ở Trung Quốc hơn 10 năm. Một nửa trong số đó thừa nhận rằng họ ít được chào đón hơn so với thời điểm đầu tiên mới đặt chân đến mảnh đất châu Á này. Hơn nữa, khảo sát cũng cho thấy 60% các công ty châu Âu lo ngại đối thủ Trung Quốc có thể bắt kịp “khoảng cách về sáng kiến”. Ông Harborn phát biểu đầy ẩn ý về chuyện bảo hộ: “Các công ty Trung Quốc đang bắt kịp khoảng cách với công ty nước ngoài rồi. Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy thoải mái vì không còn cần phải bảo vệ các doanh nghiệp trong nước nữa”. Cũng vì chuyện môi trường kinh doanh không công bằng mà 6 nước châu Âu do Đức dẫn dắt đã từ chối ký kết vào thỏa thuận trong dịp dự hội nghị về sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở Bắc Kinh gần đây.