“Đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung do Nhà nước định hướng và quản lý cũng là điều tốt nhưng không phải đó là cách làm phù hợp với nhiều địa phương” – Giáo sư Nguyễn Thơ – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Khoa học thời đại.

Thưa Giáo sư, Chính phủ đã có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số địa phương trong cả nước. Theo Giáo sư, tiêu chí nào để chúng ta có thể định lượng đó là sản phẩm của một nền nông nghiệp công nghệ cao?

Theo tôi, một nền nông nghiệp công nghệ cao phải góp phần giảm thiểu những hạn chế còn tồn tại, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương được bền vững. Và, nó cần hội đủ một số tiêu chí như sau:

Thứ nhất, là công nghệ đó phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng kỹ thuật sản xuất hiện tại của nơi áp dụng.

Thứ hai, công nghệ đó, lĩnh vực sản xuất đó phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, mục tiêu sản xuất và điều kiện xã hội của địa phương nơi áp dụng.

Thứ ba, từ kỹ thuật công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp của địa phương có chất lượng tốt, an toàn, có giá trị hàng hóa cao hơn, giá thành thấp hơn so với kỹ thuật hiện có và đáp ứng được thị trường khó tính, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo tôi, trong nông nghiệp công nghệ cao, trước khi chọn một công nghệ, một lĩnh vực để sản xuất, phải điều nghiên trước thị trường, đối tượng nhu cầu sản phẩm là ai, ở đâu, có hiệu quả kinh tế hay không để quyết định phương án đầu tư công nghệ cho phù hợp.

Cả nước hiện có những cách thức làm nông nghiệp công nghệ cao nào  mà Giáo sư cho rằng đang mang lại hiệu quả?

Hiện nay chúng ta đang có 3 dạng mô hình nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu: một là, Nhà nước đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước định hướng và quản lý; hai là Nhà nước tổ chức gom các doanh nghiệp vào một khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung rồi định hướng sản xuất; ba là lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng, có sản phẩm để hỗ trợ cho vay vốn từ các quỹ phát triển; đồng thời tạo điều kiện về cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM là dạng thứ hai. Tức là thu hút những doanh nghiệp có công nghệ tiêu biểu vào khu quản lý tập trung để kinh doanh, kết hợp với nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ.

So sánh cách làm nào hiệu quả hơn thì vẫn còn quá sớm, bởi chúng ta mới ở giai đoạn đầu của nông nghiệp công nghệ cao. Mặc khác, mỗi cách làm còn tùy thuộc vào năng lực quản lý và đặc thù của từng địa phương. Có cách làm phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương kia nên cũng khó để so sánh. Cá nhân tôi nhận thấy khu nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM là một mô hình có nhiều tham vọng trong công nghệ. Tuy nhiên, cái khó của mô hình này là Nhà nước đầu tư khá tốn kém để xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí cho đội ngũ quản lý, mà hiệu quả của nó vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, có một dạng mô hình khác là các doanh nghiệp có công nghệ cao được Nhà nước hỗ trợ chính sách chứ không có sự đầu tư và can thiệp trực tiếp nào thì lại hoạt động hiệu quả. Họ là những trang trại nuôi trồng, chủ các nhà máy sơ – chế biến đóng gói nông sản đang hoạt động độc lập. Họ đang chứng tỏ được ưu thế của mình. Mô hình doanh nghiệp này có công nghệ rất cao trong các nghề trồng rau, hoa, công nghệ cấp đông, chế biến rau quả, hạt điều, sơ chế lúa gạo xuất khẩu, nhà máy chiếu xạ trái cây, xử lý nhiệt trừ ruồi đục quả, sơ chế hồ tiêu sạch tự động để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Là một nhà khoa học gắn bó với Bình Phước qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, theo Giáo sư, nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước nên theo hướng nào sẽ mang lại hiệu quả?

Tôi nghĩ, nông nghiệp công nghệ cao cho Bình Phước nên quan tâm tìm kiếm công nghệ để “chế biến sâu” các mặt hàng nông sản là thế mạnh của mình phục vụ xuất khẩu, chứ không dừng lại ở xuất thô. Nên tập trung cho những cây trồng trọng điểm của tỉnh, như cây điều, cây tiêu, cao su, cà phê và cây ăn trái. Trong chăn nuôi, phải nghĩ về nuôi con gì với thế mạnh đất đai của mình và khả năng cạnh tranh thị trường tiêu thụ.

Bình Phước phải tập trung cho sản xuất nông nghiệp bền vững, đó là việc phải thường xuyên cải tạo đất, hướng đến nông sản an toàn, chất lượng cao, không lạm dụng hóa chất.
Rút kinh nghiệm các tỉnh, thành phố khác, bước đầu Bình Phước chưa nên tổ chức khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung do Nhà nước quản lý. Vì mô hình này phải đầu tư nhiều, tốn kém, khó quản lý, kém hiệu quả và không phải phù hợp với bất kỳ địa phương nào. Tôi nghĩ, với Bình Phước, nên chú trọng làm nông nghiệp công nghệ cao từ các doanh nghiệp có tiềm năng, triển vọng. Hãy rà soát, chọn lựa các doanh nghiệp, hợp tác xã có nguồn nhân lực tốt, năng lực quản lý tốt; có thế mạnh, tiềm năng ở lĩnh vực nào mình thấy phù hợp, từ đó Nhà nước hỗ trợ vốn, chính sách, khuyến khích họ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng. Khi thành công sẽ nhân rộng mô hình. Khi đủ kinh nghiệm và điều kiện có thể tiếp tục đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quản lý.

Chính quyền có vai trò thế nào trong việc xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương, thưa Giáo sư?

Muốn làm tốt nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi mỗi địa phương trước tiên phải hình thành một tổ chức để vừa nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách, phát triển công nghệ, nghiên cứu thị trường, tranh thủ tốt các nguồn lực và phân bổ nguồn lực đúng nơi đúng chỗ.

Như tôi vừa nói, Bình Phước nên chọn những doanh nghiệp có tiềm năng, triển vọng phát triển để khuyến khích họ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, đây là việc quan trọng của chính quyền khi chọn lựa, giống như kiểu “chọn mặt gửi vàng” vậy. Cũng từ tổ chức này, nên tham mưu cho tỉnh đánh giá hiệu quả những công nghệ, những lĩnh vực sản xuất thực sự phù hợp với địa phương mình; đồng thời xây dựng chính sách, tập hợp các cơ quan khoa học, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động hữu hiệu phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dù bằng hình thức nào thì cũng hết sức quan trọng, mang tính quyết định.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Các tin liên quan đến bài viết