Không phải chuyện xa xôi, ngay những người xung quanh tôi cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn của khởi nghiệp.
Nếu có gì đọng lại day dứt từ kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, thì ngoài nỗi buồn “gian lận điểm thi”, hẳn sẽ là những vấn đề được “đánh thức” từ đề thi Ngữ văn “Đánh thức tiềm lực”. Và bàn về đất nước trong giai đoạn hiện nay, đa số nghĩ đến tiềm lực con người, thay vì tài nguyên, khoáng sản vốn đang dần cạn kiệt.
Nhận thức tầm quan trọng về “đánh thức tiềm lực” con người, nên ở tầm vĩ mô, chúng ta đã có những khởi động về cơ chế chính sách khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, mạnh dạn “đặt mục tiêu năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả”…
Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn khoảng cách xa. Cơ chế “thoáng” dường như vẫn còn nằm nhiều trên bàn giấy, giới khởi nghiệp vẫn chủ yếu phải tự thân vận động. Còn đa số thanh niên thì chọn lối sống an phận thủ thường. “Ngủ quên ở tuổi 25”, “thất nghiệp tuổi 35″… mà báo chí, trong đó có VietNamNet, đề cập là hiện tượng có thật.
Một đất nước đang phát triển có cơ cấu dân số trẻ, để kéo dài tình trạng này là một sự lãng phí lớn.
Ở góc nhìn khác, số người trẻ chịu “dấn thân” dễ bị rơi vào lệch lạc nếu nuôi mộng “sao để mau giàu”, thiếu trải nghiệm, thiếu tri thức, lười tư duy lại mau chóng sinh lòng tự phụ đua đòi, không chú trọng đạo đức kinh doanh… Trên cái nền nhận thức này mà dư luận hay đề cao sự “thành đạt” sang chảnh của cô này cậu kia: nhà, xe, hàng hiệu… (thường có nguồn gốc mập mờ) là một điều nguy hiểm.
Khởi nghiệp nếu chỉ chăm chăm nuôi mộng “sao cho giàu nhanh” thì sẽ rơi vào lệch lạc |
Không phải chuyện xa xôi, ngay những người xung quanh tôi cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn của khởi nghiệp.
Một người bạn tôi, sau 6 năm khẳng định chỗ đứng ở một ngân hàng nước ngoài, lên Trưởng văn phòng đại diện chưa được hai năm thì gặp “sự cố”, nhân đó ra riêng khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Vốn là dân ngân hàng cho nên việc “lo” một bộ hồ sơ vay vốn sao cho mau được giải ngân là việc trong tầm tay.
Cậu bạn không ngừng vay vốn mua xe sang, khuếch trương công ty, tham gia các kênh đầu tư mạo hiểm. Nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cậu phải bán nhà bán xe bán hết cổ phần vẫn không trả hết nợ, phải lên xuống làm việc với cơ quan điều tra… Quá tự tin mà bỏ quên cái “phanh”, rơi vào vòng xoáy cám dỗ của lợi danh, lạm dụng thế mạnh… là điều dễ nhận thấy ở trường hợp này.
Một đồng nghiệp cũ của tôi từng giữ vị trí cao trong một công ty nước ngoài, do một scandal về tài chính mà xin nghỉ. Từ đó lôi kéo nhân sự, copy nguyên quy trình và dữ liệu khách hàng của công ty ra làm riêng.
Khởi nghiệp 8 năm vẫn chưa vượt qua được lời nguyền cơm áo gạo tiền. Một người trong nhóm rỉ tai tôi: “nợ như chúa chổm”! Mặc dù doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động nhưng có thể hình dung một tương lai không sáng sủa. Ở đây có vấn đề về đạo đức kinh doanh, tự khách hàng sẽ phát hiện ra điều đó và dần dần rút lui hợp tác.
Duy có một bạn nữ trong quá trình 5 năm đầu quân ở một tổ chức giáo dục quốc tế, đã tranh thủ lấy bằng MBA, thêm vài chứng chỉ nghề khác. “Năng nhặt chặt bị”, khi tri thức và vốn sống đủ dày thì ra khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục vì “có lòng yêu trẻ”.
Không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, không mở cơ sở mới khi nhu cầu gia tăng để có thời gian chỉn chu công việc đang làm, sẵn sàng từ chối những khách hàng thích khoe tiền mà không tôn trọng tiêu chí giáo dục đã đề ra… Sau 4 năm làm chủ giờ cô đã có thể thay cha mẹ gánh trách nhiệm gia đình lớn.
Trong giới hạn bài viết xin đơn cử ba trường hợp, tỉ lệ thành công 1/3 là con số khá cao, theo thống kê chính thức thì khởi nghiệp thành công chỉ ở mức 1/10 hoặc thấp hơn nữa.
Bức tranh giới trẻ Việt Nam bi quan vậy sao? Không hẳn thế. Vẫn có một bộ phận người trẻ đầy đủ tố chất năng động hiện đại, họ thường là những người bản lĩnh biết vượt lên hoàn cảnh: sống thực, học thực, làm việc thực, có trải nghiệm và giàu lòng tự trọng… Trong một xã hội mà cơ chế quản trị khoa học minh bạch, đây là tầng lớp tinh hoa (elite) đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Đáng tiếc, ở nước ta khi muốn đóng góp tâm huyết tài lực cho quê hương thì gặp những rào cản về cơ chế, chính sách, lương không đủ sống, “trên rải thảm dưới rải đinh”… Chưa kể các tệ “nhất quan hệ nhì tiền tệ” hoặc “40% cán bộ làng nhàng không đuổi được vì con ông này cháu bà kia”…
Người tài thường nhạy cảm và không dễ thỏa hiệp trong một môi trường rối rắm thiếu minh bạch. Trong nước không có đất dụng võ thì ra nước ngoài sinh sống, chẳng hạn qua Singapore khởi nghiệp, hoặc cống hiến cho công ty nước ngoài, vừa được lương cao vừa được trọng dụng… là một thực trạng khác của nguồn nhân lực.
Thực trạng “con ông cháu cha” làm nản lòng những người tài muốn đóng góp cho đất nước |
Johan Valer (1866-1910), nhà sáng chế người Na Uy, một hôm nảy sinh nguồn cảm hứng uốn sợi thép đang cầm trong tay thành chiếc ghim giấy cho cả thế giới dùng.
Toyoda Sakichi (1867 – 1930) ông chủ của thương hiệu Toyota vốn là anh thợ mộc, gia đình nghèo không được học hành đàng hoàng. Ý chí khởi nghiệp ban đầu là làm sao để sửa cái máy dệt cho công việc hàng ngày của mẹ ông bớt cực nhọc! Từ nghiên cứu cơ chế hoạt động máy dệt của nước ngoài, ông đã trở thành người đầu tiên sản xuất chiếc máy dệt hoàn toàn tự động trên thế giới.
V.v…
“Hãy mộng mơ nhưng đừng xa rời thực tế”, “Hãy dấn thân đừng sợ thất bại”, “Chia ước mơ của bạn thành nhiều mục tiêu nhỏ mà kiên trì thực hiện”, “Chú trọng trích lập dự phòng rủi ro” v.v… là những lời khuyên tôi chắt lọc ra từ những giáo khoa khởi nghiệp.
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, nghiên cứu soạn ra một đề án khuyến khích khởi nghiệp cấp nhà nước thật sự thông thoáng – nhân văn, nội dung chú trọng “đánh thức tiềm lực con người”… rồi nhanh chóng đưa vào áp dụng là việc cần làm ngay. Đối với cá nhân thì làm “một người bình thường tử tế”, luôn luôn bám sát mục tiêu “làm giàu bền vững” để dấn thân. Khi có cơ chế thông thoáng, có con người tử tế… thì nguồn máy vào “form” trơn tru êm ru, mới mong Việt Nam có ngày vươn ra biển lớn.
Nguồn: vietnamnet