Những năm gần đây, nhiều nông dân ở miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp đã phát triển sản xuất bằng thâm canh và đa canh cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân địa bàn. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn và bà Thân Thị Thanh ở thôn 7, xã Long Bình (Phú Riềng) là điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên, có kinh tế khá từ đa canh cây ăn trái và nuôi gà thả vườn.
PHÁT TRIỂN CÂY ĂN TRÁI ĐẶC SẢN
Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình đa canh với các loại cây ăn trái và cao su của gia đình, bà Thân Thị Thanh kể: Năm 1995, có người em chuyên đi cày thuê ở Bình Phước về nói, trên đó đất đai màu mỡ, diện tích lớn, trồng cây gì cũng được nên vợ chồng tôi háo hức đến tìm hiểu. Lại đúng lúc việc làm lúa và nuôi tôm ở Cà Mau bị thua lỗ nên chúng tôi bán hết tài sản chuyển lên Bình Phước lập nghiệp với mong muốn thoát nghèo.
Để đàn gà phát triển, việc kiểm soát, theo dõi đàn luôn được gia đình bà Thanh tuân thủ đúng quy định
Mua được đất trồng cây ăn trái nhưng chưa có kinh nghiệm, lại không biết kỹ thuật chăm sóc nên cây chết nhiều, những cây còn lại cho năng suất không cao. Bà Thanh phải tiếp tục với nghề bán chè ở Nông trường 6 (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) kiếm sống qua ngày, còn ông Sơn về Bến Tre học kinh nghiệm trồng cây có múi để áp dụng vào sản xuất. Để có tiền mua cây giống, gia đình ông Sơn trồng nhiều loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu xanh kết hợp trồng thêm rau và chăn nuôi. Bà Thanh cho biết, đất ở đây màu mỡ nên cây trồng phát triển nhanh. Sau vài tháng chăm sóc, các loại cây ngắn ngày lên xanh mơn mởn, cho năng suất cao nên gia đình có vốn để đầu tư cho các vụ sản xuất kế tiếp.
Để có vườn cây ăn trái tươi tốt, ngoài sự giúp đỡ về kỹ thuật của bà con dưới quê, gia đình ông Sơn dành nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đào ao tích nước tưới cây trồng vào mùa khô và thoát nước trong mùa mưa. Nhờ đó, cây phát triển chẳng thua kém những vườn cây ăn trái của các nhà vườn nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, bưởi da xanh và quýt đường là 2 loại cây luôn cho năng suất cao với chất lượng tốt.
Sau 20 năm lao động vất vả cùng sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, đến nay gia đình ông Sơn đã có 8 ha quýt, 1 ha bưởi da xanh và 2 ha cao su. Các loại cây ăn trái được thương lái đến thu mua tận vườn, thậm chí đặt mua cả vườn khi trái còn non nên đầu ra của gia đình ông luôn ổn định.
THÊM NGUỒN THU TỪ NUÔI GÀ THẢ VƯỜN
Với phong cách giản dị, thân thiện của người miền Tây, bà Thanh cởi mở chia sẻ thêm về cơ duyên đến với nghề nuôi gà thả vườn. Bà nói: Trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu là cây có múi và cao su. Sau thấy nuôi gà thả vườn dưới tán cao su có nhiều tiềm năng nên gia đình quyết định đầu tư. Rút kinh nghiệm từ việc trồng cây ăn trái, vợ chồng tôi cho rằng, muốn đầu tư sản xuất một lĩnh vực mới cho hiệu quả phải đầu tư bài bản và nắm chắc kỹ thuật nuôi. Để tích lũy kinh nghiệm, chồng tôi đã khăn gói tìm đến các trang trại chăn nuôi trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau những chuyến “tầm sư, học đạo”, vợ chồng tôi dồn toàn bộ số tiền tích góp được và vay mượn thêm nuôi hơn 5.000 con gà thịt cung ứng cho thị trường.
Để kiểm soát tốt việc chăn nuôi, hằng tuần bà Thanh phun thuốc phòng dịch cho toàn trang trại, định kỳ phòng trị bệnh Newcatson, Gumboro, tụ huyết trùng. Đồng thời chú ý quan sát, kiểm tra để chăm sóc đúng kỹ thuật nên gà ngày càng sinh sôi, phát triển. Từ lợi nhuận thu về, gia đình tiếp tục mở rộng trang trại, tăng quy mô đàn. Gia đình bà phải thuê những vườn cao su gần nhà chia làm nhiều khu, nuôi hơn 40 ngàn con gà, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Làm chủ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tâm huyết với những cách làm mới, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn và bà Thân Thị Thanh đã gặt hái được những thành công ban đầu sau bao năm chinh phục vùng đất mới.
Nguồn Báo Bình Phươc