Ca COVID-19 có xu hướng gia tăng và các chuyên gia lo ngại kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ tăng nhanh nếu chủ quan.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) tại nơi công cộng và tập trung đông người
Theo Bộ Y tế, từ ngày 8-4, số ca mắc COVID-19 trên cả nước bắt đầu gia tăng, đến 19-4 đã vượt mốc 2.000 ca/ngày – con số kỷ lục trong hơn nửa năm qua. Người dân và các địa phương đang đối phó thế nào? Nếu bị nhiễm phải làm gì? Có cần giấy xác nhận khỏi bệnh không?
Phải cách ly, cấp giấy xác nhận?
Ngay khi COVID-19 quay trở lại, một số địa phương đã tăng cường cảnh báo. Tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, ngay khi số ca mắc bắt đầu gia tăng, các thành phố cũng bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trước kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và giỗ Tổ Hùng Vương.
* Hà Nội đề nghị người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Đồng thời tiếp nhận, phân bổ gần 18.000 liều vắc xin COVID-19 để tăng cường tiêm chủng cho người dân.
Đại diện Trung tâm Y tế quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết hiện quận đang triển khai kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là trường học.
“Khi trẻ có ho, sốt sẽ được xét nghiệm nhanh để xác định có dương tính COVID-19 hay không. Trẻ mắc COVID-19 sẽ thông báo với nhà trường, sau đó nhà trường thông báo đến trạm y tế thực hiện khử khuẩn lớp học. Học sinh mắc bệnh, tùy thuộc vào tình trạng sẽ được cách ly tại nhà hoặc điều trị tại cơ sở y tế”, vị này cho hay.
Về giấy xác nhận mắc COVID-19, một trưởng trạm y tế xã tại Hà Nội thông tin vẫn thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, người mắc COVID-19 sau khi đến trạm y tế sẽ được cấp giấy xác nhận để xin nghỉ phép, hưởng chế độ bảo hiểm. Cách ly tại nhà theo quy định 7-10 ngày, khi âm tính với COVID-19 sẽ được cấp giấy xác nhận.
* Tại TP.HCM, Sở Y tế thông tin số mắc đang có chiều hướng gia tăng, có thể bùng phát trở lại. TP đã kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước COVID-19, đề nghị các quận, huyện tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các giáo viên, học sinh đeo khẩu trang trong trường học.
Ông Nguyễn Hồng Tâm – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho biết người mắc COVID-19 nặng sẽ được cách ly, điều trị tại bệnh viện được phân công.
Người không triệu chứng/triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly, điều trị tại nhà trong 7 ngày nếu đủ điều kiện. Sau 7 ngày, nếu kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin. Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận người bệnh cách ly tại nhà khỏi bệnh.
Điều đặt ra hiện nay là dịch COVID-19 đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 3 năm, bệnh cảnh theo khảo sát là nhẹ hơn trước đây, tỉ lệ đã tiêm chủng rất cao. Với các yếu tố này, việc yêu cầu “cấp chứng nhận khỏi bệnh” có cần thiết hay cần cải cách để giảm phiền hà?
Bên cạnh đó, số mắc báo cáo có thể không đúng so với số mắc thực tế, yêu cầu cách ly chặt nhưng thực tế vẫn “lọt” cơ số bệnh nhân không quản lý được.
COVID-19 trong và sau lễ sẽ thế nào?
“Ca mắc có tăng nhưng số chuyển nặng dưới 2% so với tổng số ca mắc mới. Điều này thể hiện COVID-19 không có sự gia tăng về độc lực. Theo giám sát, phân tích giải trình tự gene thì chưa xuất hiện biến chủng COVID-19 mới tại Việt Nam. Vì vậy, về cơ bản chúng ta vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh”, vị chuyên gia phân tích.
Về việc gần ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, số ca mắc COVID-19 có sự gia tăng, trước đó năm 2022 trước kỳ nghỉ lễ 2-9 số ca mắc cũng tăng, chuyên gia này cũng nhận định có thể là sự trùng hợp.
Chuyên gia nêu rõ đầu tháng 4 số ca mắc có gia tăng, đặc biệt khu vực phía Bắc. Bởi đây là thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm khiến các bệnh liên quan đến hô hấp gia tăng. Khi người dân có biểu hiện sổ mũi, ho, sốt được xét nghiệm COVID-19 và phát hiện dương tính, dẫn đến số lượng xét nghiệm tăng, phát hiện ca mắc tăng.
Tại TP.HCM, Sở Y tế TP cho hay với sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron và miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94,17%) đã làm số ca mắc COVID-19 lại tăng (riêng ngày 18-4 là 47 ca – cao nhất từ đầu 2023 đến nay). Khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, việc đi lại, giao lưu, tiếp xúc nhiều sẽ có nguy cơ tăng thêm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM – cho rằng COVID-19 không phải là vấn đề khẩn cấp trong giai đoạn hiện nay. PGS Dũng đánh giá dịch COVID-19 tại TP trong và sau dịp nghỉ lễ dài sắp tới là ổn. Nhưng người dân không nên chủ quan, đặc biệt là bảo vệ nhóm nguy cơ.
“Quan tâm đến COVID-19 và bảo vệ con người là luôn luôn đúng. Nó chỉ không phù hợp nếu quan tâm đến COVID-19 hay các biện pháp phòng chống là quá mức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và kinh tế đất nước”, PGS Dũng chia sẻ.
Số người đi tiêm chủng vắc xin COVID-19 đã tăng trong vài ngày gần đây
Phòng COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ
Theo ông Phan Trọng Lân – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tùy vào mức độ dịch mà các địa phương có phương án phòng chống dịch linh hoạt. Ca mắc hiện nay rải rác ở các địa phương, tổng số có tăng nhưng vẫn được kiểm soát tốt, cả nước vẫn đang là “vùng xanh”.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi tham gia phương tiện giao thông công cộng di chuyển trong kỳ nghỉ lễ cần đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên và chủ động tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để duy trì miễn dịch.
Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời.
Nguồn: tuoitre.vn