Đó là dự án BOT quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh – cầu 38 qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Vì thi công bê bối, Nhà nước đã phải lấy lại dự án này. 
Làm đường bê bối, đòi tiền giá cao
Công ty cổ phần Đức Phú thực hiện việc thi công dự án BOT đoạn Cây Chanh – cầu 38 (ảnh chụp cuối năm 2013) 

Tuy nhiên, khi bị lấy lại dự án, chủ đầu tư lại đòi thanh toán với mức chênh lệch rất nhiều với khối lượng kiểm đếm của Nhà nước. Sau hơn ba năm tranh cãi, hội đồng kiểm đếm do UBND tỉnh Bình Phước thành lập và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Phú vẫn chưa tìm được tiếng nói thống nhất trong việc giải quyết hậu quả của dự án.

Chênh lệch hàng chục 
tỉ đồng
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Bình Phước mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận hơn 203 tỉ đồng do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chuyển về. Nguồn gốc số tiền này là tiền ngân sách, được tỉnh Bình Phước đề nghị bố trí sẵn để chờ thanh toán cho chủ đầu tư dự án BOT quốc lộ 14 đoạn 
Cây Chanh – cầu 38. Từ năm 2009, UBND tỉnh Bình Phước ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đức Phú để thực hiện dự án nói trên. Thời hạn theo hợp đồng là ba năm nhưng suốt nhiều năm sau đó, dự án thi công chậm tiến độ. Tới cuối năm 2013, Bộ GTVT lấy lại dự án, chấm dứt hình thức BOT để giao cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thi công bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Vấn đề phát sinh là phải xác định khối lượng đã thi công để trả lại số tiền tương ứng cho chủ đầu tư. Việc xác định khối lượng này đang phát sinh nhiều 
điều bất thường. Theo văn bản của UBND tỉnh Bình Phước, trong số 203 tỉ đồng mà tỉnh này đề nghị Bộ GTVT chuyển về, hội đồng kiểm đếm mới chỉ chấp nhận cho thanh toán 176,9 tỉ đồng. Còn 26,1 tỉ đồng được chủ đầu tư kê khai là chi phí duy tu sửa chữa năm 2011 và 2012 hiện vẫn cần phải làm rõ. Cụ thể, việc duy tu (nếu có) thì nằm ngoài hợp đồng BOT nên chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan thẩm quyền khi thực hiện. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đức Phú phớt lờ, không báo cáo Sở GTVT tỉnh Bình Phước nhưng lại đưa vào đề nghị thanh toán. Đó là chưa kể theo biên bản làm việc ngày 16-5-2016 giữa Sở GTVT tỉnh Bình Phước và các thành viên thuộc tổ giám sát thì chủ đầu tư không hề thực hiện công tác duy tu sửa chữa năm 2011 (trừ đoạn qua thị trấn Đức Phong) và năm 2012 (trừ đoạn thảm bêtông nhựa trên mặt đường cũ).
Trước sau bất nhất

Theo tìm hiểu, việc đề xuất thanh toán của chủ đầu tư dự án BOT quốc lộ 14 Cây Chanh – cầu 38 có nhiều điều khá vô lý. Cuối năm 2015, thời điểm đó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước tiền nhiệm chỉ chấp nhận thanh toán cho chủ đầu tư hơn 80,3 tỉ đồng, nhưng tới thời ông Nguyễn Quốc Hiệp – từ phó giám đốc lên làm giám đốc Sở GTVT – thì hội đồng kiểm đếm chấp nhận thanh toán lên tới 176,9 tỉ đồng. Trong số các chi phí tăng lên thì chi phí lãi vay ngân hàng là nhiều nhất (hội đồng kiểm đếm tạm tính tới ngày 12-5-2016 tiền lãi ngân hàng là 59,7 tỉ đồng), ngoài ra chi phí xây lắp, chi phí duy tu… cũng tăng lên đáng kể. Giải thích về việc có sự khác nhau về số liệu, chi phí thanh toán tăng lên, Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho rằng do đơn vị tư vấn kiểm đếm có sai sót trong nhập liệu; chủ đầu tư cung cấp, bổ sung hồ sơ làm nhiều đợt. Ngoài ra, việc thanh toán chi phí cho dự án BOT bị thu hồi là “chưa có tiền lệ” nên hội đồng kiểm đếm gặp khó khăn trong việc xác định nhiều khoản chi phí.

Dự án tăng vốn: Theo hợp đồng BOT giữa UBND tỉnh Bình Phước và Công ty cổ phần Đức Phú vào năm 2009, tổng mức đầu tư của dự án đoạn Cây Chanh – cầu 38 chỉ 666,9 tỉ đồng. Do thi công kéo dài nên tới đầu năm 2014, khi Bộ GTVT lấy lại để giao cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thì dự án được điều chỉnh tăng lên 1.000 tỉ đồng, dù đã giảm bề rộng mặt đường xuống khá nhiều.
Nhiều điều bất thường: Việc phê duyệt dự án BOT Cây Chanh – cầu 38 cũng có nhiều khuất tất. Trước đây, cả đoạn quốc lộ 14 từ Cây Chanh (tỉnh Đắk Nông) tới thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) dài khoảng 75km chỉ là một dự án BOT. Nhưng sau đó, tỉnh Bình Phước “chẻ nhỏ” thành hai dự án BOT: đoạn Cây Chanh – cầu 38 dài 33,8km do Công ty cổ phần Đức Phú làm chủ đầu tư và đoạn cầu 38 – Đồng Xoài dài 41,3km do Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai làm chủ đầu tư. Việc chẻ nhỏ thành hai dự án BOT vừa không đảm bảo khoảng cách tối thiểu lập trạm thu phí là 70km, vừa có điều bất thường là chủ sở hữu của hai công ty nói trên thực chất đều là người trong một gia đình, người đại diện pháp luật, giám đốc của hai công ty này đều là anh em ruột hoặc có quan hệ họ hàng với nhau.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : botchủ đầu tưdự ánkiểm đếntỉ đồng

Các tin liên quan đến bài viết