Giáp Tết, nhu cầu làm đẹp của cả nam và nữ tăng cao, đặc biệt với chị em phụ nữ. Vì tin những lời quảng cáo ‘có cánh’, nhiều người đã dùng những sản phẩm kém chất lượng, chọn dịch vụ làm đẹp cấp tốc tại ‘thẩm mỹ viện’, ‘viện thẩm mỹ’ chui.
Để tự tin với khuôn mặt ‘sang’ hơn khi đón Tết, mới đây anh N.V.M. (36 tuổi, Hà Nội) đến một spa gần nhà tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi vì cho rằng nhanh và rẻ.
Một tuần sau khi tiêm filler, toàn bộ vùng sống mũi và cánh mũi của anh M. chuyển màu xanh đen, tạo mủ đau nhức.
Anh M. vội đến Bệnh viện Da liễu trung ương cầu cứu bác sĩ…
Hoại tử mũi, da nhiễm trùng…
TS Vũ Thái Hà – trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu trung ương – cho biết anh M. bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và tắc một phần động mạch cánh mũi.
Do đến viện quá muộn nên mũi bệnh nhân rất khó cứu. Nếu may mắn sẽ cứu được mô phía dưới không bị hoại tử thêm, nhưng vùng da hoại tử bị bong lớp thượng bì (bề mặt) sẽ để lại sẹo sâu.
Tương tự, một nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Tiền Giang) đến khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám bệnh trong tình trạng vùng da hai bên gò má bị lở loét, bong trượt từng mảng, rỉ dịch mủ vàng đục… tổn thương nặng gò má bên phải do “làm đẹp cấp tốc”.
Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết trước đó hơn một tháng có nghe người quen giới thiệu một loại “thuốc chứa axit” bán ở chợ, giá chỉ hơn 200.000 đồng có tác dụng trị sạm, nám rất hiệu quả nên mua về sử dụng.
Sau thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành trên nền sẹo mất sắc tố.
Cẩn trọng quảng cáo “có cánh”
Bác sĩ Đinh Phương Đông – khoa bỏng và tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) – cho biết những ngày qua khoa liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến vì tiêm filler “làm đẹp cấp tốc” tại cơ sở thẩm mỹ chui. Tất cả bệnh nhân là nữ, nhập viện trong tình trạng vị trí vùng tiêm filler đã biến dạng, nhiễm trùng, hoại tử nặng.
“Những ngày bình thường, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp gặp tai biến nặng sau dùng các dịch vụ làm đẹp ở các spa, thẩm mỹ viện… Con số này thường tăng hơn vào dịp cuối năm khi nhu cầu làm đẹp cao hơn, trong khi đó các spa, thẩm mỹ viện cũng mọc lên như nấm rồi tiêm trái phép cho người dân mà không thể kiểm soát được”, bác sĩ Đông nêu thực trạng.
Theo bác sĩ Đông, làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là chị em phụ nữ thì ai cũng muốn mình xinh đẹp hơn trong thời điểm Tết đến xuân về. Ở thành phố càng lớn thì càng nhiều cơ sở làm đẹp hơn.
Với những cơ sở chui thì thường cũng được treo biển hiệu lung linh, cùng với đó là những quảng cáo rầm rộ trên mọi nền tảng mạng xã hội khiến người dân dễ nhầm lẫn và tin tưởng hơn.
Do đó, người dân muốn đi làm đẹp phải chọn nơi uy tín, biết rõ thứ đưa vào người mình là gì. Chất làm đầy tiêm vào cơ thể phải được Bộ Y tế chứng nhận đạt chuẩn và cấp phép. Đồng thời người thực hiện phải được đào tạo kỹ thuật, có giấy phép hành nghề, để hạn chế việc xảy ra tai biến cho bệnh nhân.
“Khi làm đẹp, nhất là chọn dịch vụ có xâm lấn thì phải kiểm tra trước, không ngần ngại khi hỏi người thực hiện các thủ thuật có phải là bác sĩ hay không, có chứng chỉ hành nghề hay không, cơ sở có giấy phép làm đẹp hay không… Đây là những điều tiên quyết cần biết rõ trước khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn trên người mà tôi luôn dặn dò những bệnh nhân chẳng may đã gặp tai biến”, bác sĩ Đông chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Quân – khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, làm đẹp da là nhu cầu chính đáng đối với tất cả mọi người, tuy nhiên cần làm đẹp đúng cách. Đầu tiên phải xác định đúng vấn đề da đang mắc phải, thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ đánh giá chính xác và từ đó lựa chọn phương pháp làm đẹp thích hợp.
Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da, cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thành phần an toàn và điều quan trọng nhất là phải phù hợp với làn da. Không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo về hiệu quả làm đẹp tức thì.
Biến chứng lâu dài
Bác sĩ Nguyễn Duy Quân – khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho biết những loại mỹ phẩm bệnh nhân sử dụng gây tai biến thường không ghi rõ thành phần, nguồn gốc. Đặc điểm chung của những loại mỹ phẩm này là thường chứa corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân… Đây là những chất không an toàn nhưng khi bôi lên da có biểu hiện trắng nhanh nên được các chị em rất ưa thích.
Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài sẽ làm da mỏng hơn, các mạch máu giãn, da nhạy cảm, bong tróc và nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc tình trạng rối loạn sắc tố da khó hồi phục. Những biến chứng này điều trị rất khó khăn, kéo dài, đôi khi phải áp dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại mới khôi phục tình trạng da như ban đầu cho bệnh nhân.
Không đủ nhân lực kiểm tra
Bác sĩ CKI Lê Văn Sẽ – trưởng ban từ thiện Hội Thẩm mỹ TP.HCM – cho hay tai biến trong làm đẹp là tình trạng báo động trong nhiều năm nay, không chỉ trong dịp gần Tết. Theo ông Sẽ, lực lượng thanh tra tại các cơ sở y tế ở nước ta còn mỏng, không đủ nhân lực kiểm tra nên đến nay vẫn còn rất nhiều cơ sở thẩm mỹ chui lộng hành. Do đó cần tăng cường thêm nhân lực, thường xuyên kiểm tra các cơ sở làm đẹp cũng như tăng mức hình phạt để “loại trừ” những cơ sở thẩm mỹ chui.
Nguồn: tuoitre.vn