Đề xuất buộc đi lao động công ích như ‘buộc đi nạo vét sông Tô Lịch’ đối với người uống rượu bia khi lái xe đã nhận được nhiều sự đồng tình của bạn đọc cũng như đại biểu Quốc hội.

Đề xuất do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra. Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Cần phải giải thích rằng hình thức xử phạt buộc phải lao động công ích như vậy là không vi phạm Công ước chống lao động cưỡng bức của Liên Hiệp Quốc, bởi đây không phải lao động cưỡng bức mà là lao động để giáo dục người vi phạm”.

Hãy so sánh với những việc như cấm đốt pháo hay buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, trước đây cũng nhiều ý kiến phản đối, nhiều ý kiến lo ngại khó thực hiện nghiêm, nhưng khi chúng ta tổ chức thực hiện tốt, xử lý nghiêm minh thì đâu sẽ vào đó.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Hiệu quả hơn phạt tiền

“Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị cho đi lao động công ích, ví dụ như nạo vét kênh, sông hoặc dọn dẹp đường phố, các khu vực công cộng. Như vậy, những người vi phạm hoặc có ý định vi phạm mới lấy đó làm gương, thấy rằng như vậy là nhục nhã, rằng họ bị đi lao động vì họ làm sai và tất cả mọi người đều biết.

Tuy nhiên, sau khi ra luật cũng cần nghĩ đến các quy định nhỏ liên quan đến vấn đề thực thi án phạt để người vi phạm nhiều tiền không dùng tiền đó để mua chuộc hay nhờ người làm thay. Phải làm thật nặng tay, cho đi lao động nhiều tuần hoặc cả tháng và phải làm việc như một người chuyên về lao động công ích thực thụ” – bạn đọc ký tên Tue Nghi viết.

Đội CSGT TP.HCM lập chốt trên đường Điện Biên Phủ, kiểm tra nồng độ cồn người lái xe – Ảnh: H.Đ.

Một bạn đọc khác còn đề nghị phạt lao động công ích và buộc họ mặc bộ quần áo bảo hộ lao động có dòng chữ “người vi phạm luật giao thông do uống rượu bia”.

Khả thi, quyết tâm làm

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng đây là đề xuất mang tính khả thi, cần quyết tâm làm bằng được.

“Trong xử lý vi phạm hành chính hiện nay thì chúng ta coi phạt tiền như là một hình thức xử phạt phổ biến và một số ý kiến đang đề nghị tăng mức phạt tiền lên để đảm bảo tính răn đe.

Tôi cho rằng phạt tiền nặng hơn thì cũng tăng mức răn đe nhưng đối với một số người có rất nhiều tiền, đi xe siêu sang thì khi vi phạm họ sẵn sàng nộp phạt và mức phạt lên đến vài chục triệu cũng không có ý nghĩa nhiều với những người giàu này.
Do đó, ngoài hình thức phạt tiền, cần quy định hình phạt bổ sung buộc lao động công ích bởi có tính răn đe cao hơn so với phạt tiền. Phạt thế sẽ đánh vào liêm sỉ của người bị phạt, họ xấu hổ trước dư luận, trước công cộng, từ đó mà ý thức được việc sửa đổi hành vi vi phạm của mình.

Hình thức này không chỉ mang tính giáo dục đối với người vi phạm mà còn có tính giáo dục đối với cộng đồng” – đại biểu Thúy phân tích.

Đại biểu Kim Thúy cũng cho rằng việc tổ chức xử phạt lao động công ích không phải là khó khăn, chỉ cần quy định rõ những việc, những khu vực buộc người vi phạm phải đến đó để lao động, chúng ta đã có bộ máy để thực hiện việc này.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đối với những vấn đề bức xúc nổi cộm như tai nạn giao thông do người sử dụng rượu bia gây ra trong thời gian qua, Quốc hội hoàn toàn có thể thảo luận để ban hành nghị quyết, trong đó áp dụng các chế tài hành chính tương thích để lập lại trật tự xã hội.

Đối với những ý kiến cho rằng cần phải phạt tù người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông như một số quốc gia đã quy định, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là chế tài hình sự, nếu quyết định áp dụng, Quốc hội phải bổ sung vào Bộ luật hình sự thì mới thực hiện được.

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tai nạn giao thông do uống rượu, bia

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt vi phạm về ma túy và nồng độ cồn của người lái xe; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, cao điểm về hoạt động lễ hội… Cương quyết xử lý hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia – Không lái xe” với sự tham gia của đông đảo các lực lượng và người dân tại khu vực hồ Gươm. Tương tự, các địa phương vận động người dân thực hiện thông điệp “Đã uống rượu bia – Không lái xe”… (chinhphu.vn)

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường đại học Kinh tế – luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Không vì khó mà “quy ra thóc”

Bản chất phạt lao động công ích là khi nêu gương, có sức lan tỏa trong cộng đồng, răn đe với nhữngngười cùng có hành vi nguy hiểm, có khả năng vi phạm. Hơn nữa, thế giới cũng có nhiều nước đã, đang áp dụng hình thức xử phạt này như Mỹ, Trung Quốc… Thậm chí ở Singapore còn phạt đánh roi người vi phạm một số lỗi theo quy định.

Trở ngại chính là tính khả thi, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này trong thực tế, vì khó khăn lớn nhất là không tổ chức được các hình thức lao động công ích cho phù hợp, bố trí bộ máy tổ chức thực hiện xử phạt…

Ví dụ, khi phạt một người phải dọn nhà vệ sinh công cộng thì việc xử phạt này phải tương ứng với tính chất, hành vi vi phạm, rồi phải có lực lượng tổ chức để người vi phạm dọn vệ sinh…

Vì thế, các hình thức xử phạt hành chính hiện nay có xu hướng nhắm vào phạt tiền. Tuy nhiên, xu hướng phạt vi phạm “quy ra thóc” thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Bởi lẽ việc phạt tiền với đối tượng dư dả kinh tế thì tác dụng giáo dục, răn đe không cao.

Còn người không đủ điều kiện đóng tiền phạt thì lại khó cưỡng chế được (lái xe thuê, lao động nghèo…). Đó là chưa kể mức phạt tiền cao cũng khiến cán bộ thực thi bị lệch lạc hành vi công vụ vì cám dỗ “cưa vi phạm” với người vi phạm.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Trâm (Đoàn luật sư TP.HCM):

Vi phạm, buộc phải quét đường là sợ!

Tôi cho rằng quan trọng nhất là chọn ra các hình thức phạt lao động công ích phù hợp, phổ quát, áp dụng được cho các nhóm hành vi vi phạm, các đối tượng vi phạm… Ví dụ: chọn các địa điểm công cộng phù hợp nhất như phố đi bộ, sân vận động, quảng trường, trường học, đường phố, nhà vệ sinh công cộng, công viên cây xanh…

Đồng thời, các hình thức lao động có thể là nhổ cỏ, nhặt rác, tưới cây, quét dọn, lau chùi, rửa, diễn thuyết tuyên truyền cho học sinh, mặc áo có khẩu hiệu tuyên truyền… Khi người vi phạm bị buộc lao động ở đây sẽ cảm thấy xấu hổ mà không dám tái phạm, đồng thời cũng răn đe chung những người chứng kiến.

Bên cạnh đó, thời gian phạt lao động, mức độ lao động phù hợp vừa đủ mức răn đe để không mang tính hà khắc, không hạn chế quyền tự do, lao động công tác… khác của người vi phạm.vi

Anh Nguyễn Tiến Dũng (cư dân ngụ Q.7, TP.HCM):

Ghi nhớ suốt đời, đủ sức răn đe

Tôi nghĩ hình thức phạt lao động công ích sẽ đủ sức răn đe với những người vi phạm hành chính thay vì hình thức phạt tiền.

Với những người nghèo, không có khả năng có thể cho họ chọn việc lao động công ích thay cho mức phạt tiền vài triệu đồng. Riêng với người có điều kiện, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ, người nổi tiếng thì việc buộc họ mặc áo có dòng chữ, khẩu hiệu tuyên truyền về vi phạm (như rượu bia, ma túy, đua xe lạng lách…) tại nơi công cộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là hình phạt nặng nề hơn cả việc bắt họ đóng phạt 10 – 20 triệu đồng.

Tại nơi công cộng như vậy những người qua lại sẽ nhìn thấy, biết được những người nổi tiếng có hành vi vi phạm và ghi nhớ để có thể giám sát người nổi tiếng tiếp tục vi phạm. Đồng thời, chính bản thân họ trông thấy như vậy cũng sẽ sợ mà không dám vi phạm tương tự.

Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Phạt lao động công ích được cả đôi đàng

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn tài xế – Ảnh: LÊ PHAN

Chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với những người vi phạm, với một số trường hợp hay một số nhóm hành vi, hiệu lực răn đe, giáo dục vẫn chưa đạt, có thể tái phạm. Nhưng nếu dùng công cụ giáo dục một cách hiệu quả thì có thể thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của chủ thể. Những hoạt động lao động công ích như thu gom rác, nạo vét sông, chăm sóc bệnh nhân tai nạn giao thông… đều rất hợp lý.

Trong xã hội luôn tồn tại các dịch vụ công ích phục vụ cộng đồng mà ngân sách phải lấy từ thuế để chi trả. Bản chất lao động công ích là hoạt động tình nguyện không được trả tiền và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên do tính chất đặc biệt của những người vi phạm nên không để họ thực hiện các hoạt động có tính nhạy cảm cao như trợ giúp học sinh, người tàn tật, lao động trong bệnh viện…

Những người vi phạm giao thông có thể làm các công việc ít rủi ro với cộng đồng như dọn vệ sinh đường phố, quét rác, nạo vét sông, vệ sinh công cộng… Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đưa ra phương án cụ thể.

Với người say xỉn vẫn lái xe, quan trọng nhất là hình phạt đủ sức răn đe, cần kết hợp cả 4 công cụ hình sự – hành chính – giáo dục và kinh tế, trong đó công cụ phạt tiền, giáo dục và kinh tế có thể áp dụng trong phần lớn các trường hợp. (Tuấn Phùng ghi)

Theo Tuổi Trẻ

Từ khóa : lao độngnồng độquy địnhvi phạmxử phạt

Các tin liên quan đến bài viết