Từ lái xe cho đến người giữ nhiều chức vụ cao ở hệ sinh thái FLC đều được ông Trịnh Văn Quyết và em gái sử dụng để ký khống nhiều giấy tờ nhằm nâng khống vốn của Công ty Faros, lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ thao túng thị trường chứng khoán mà ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) và 50 người khác mới bị đề nghị truy tố, có cả lái xe riêng của ông Quyết, là bị can Trương Văn Tài (SN 1969, ở Hà Nội).

Từ tháng 6/2014, ông Tài làm lái xe riêng cho ông Trịnh Văn Quyết. Kết quả điều tra đến nay cho thấy, dù không bỏ tiền mua cổ phần và góp vốn vào Công ty Faros, nhưng theo yêu cầu của em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Minh Huế, ngày 19/5/2015, ông Tài đã ký 2 hợp đồng khống nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phần của Nguyễn Văn Mạnh và Trịnh Văn Đại tại Công ty Faros, tương đương 20 tỷ đồng.

Từ ngày 27/5/2015 – 1/12/2015, với danh nghĩa cá nhân, ông Tài ký 10/14 chứng từ với giá trị 302 tỷ đồng/261 tỷ đồng (có 4 giấy nộp tiền mặt giá trị 59 tỷ đồng mang tên Tài nhưng không phải do ông Tài ký) để bà Huế dùng danh nghĩa ông Tài thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền vào, rút tiền quay vòng góp vốn.

Việc này làm tăng giá trị vốn góp của ông Trương Văn Tài từ 20 tỷ đồng, tương đương 2 triệu cổ phiếu lên 230 tỷ đồng, tương ứng 23 triệu cổ phần trong lần tăng vốn thứ 2, thứ 3, khiến vốn điều lệ của Công ty Faros tăng từ 225 tỷ đồng lên 3.037,5 tỷ đồng.

trinh van quyet flc.jpegÔng Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Trước khi Công ty Faros được niêm yết, ngày 28/1/2016, theo yêu cầu của bà Huế, ông Trương Văn Tài ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trả lại 23 triệu cổ phần cho bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, thực tế ông Tài không được nhận tiền.

Giao dịch ảo

Vốn là bạn cùng quê với ông Trịnh Văn Quyết, từ năm 2010, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1975) được bố trí ngồi vào nhiều vị trí như: Thành viên HĐQT, phụ trách công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC, kiêm Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và thương mại KLF (từ năm 2012- 2018); Chủ tịch HĐQT 4 công ty. Từ 16/4/2016- 5/5/2017, ông Bình là thành viên HĐQT Công ty Faros; Chủ tịch Công ty RTS từ ngày 21/6/2014- 21/3/2016.

Được bạn giao giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty RTS nhưng ông Bình không hề điều hành hoạt động của công ty. Dù không biết số vốn điều lệ thực góp của các cổ đông là bao nhiêu, nhưng theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, ông Bình vẫn ký biên bản, nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty RTS với số tiền 800 tỷ đồng (thực chất chỉ có 400 tỷ đồng vốn thực góp) cho Công ty Faros.

Việc này làm tăng vốn điều lệ của Faros từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Trong lần tăng vốn thứ 3, theo chỉ đạo của ông Quyết và bà huế, tháng 9/2015, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty KLF, ông Bình ký 1 giấy rút tiền mặt, rút hơn 5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty KLF để bà Huế nộp vào tài khoản mang tên Trịnh Văn Đại để quay vòng góp vốn khống vào Công ty Faros…

Ngày 18/11/2015, sau khi bà Huế sử dụng danh nghĩa Nguyễn Văn Mạnh chuyển 92,35 tỷ đồng góp vốn vào Faros, bà Huế tiếp tục rút tiền ra khỏi Công ty Faros bằng cách chuyển khoản 92 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Đầu tư tài chính và quản lý tài sản Magnus Capital (tên cũ của Công ty RTS).

Sau đó, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Magnus Capital, ông Bình còn ký 3 ủy nhiệm chi chuyển tiếp 127,35 tỷ đồng sang tài khoản của Công ty FLC Land để bà Huế tiếp tục chuyển tiền sang Công ty Huy Hoàng, sau đó rút tiền mặt nộp vào tài khoản của Mạnh để tiếp tục quay vòng lần 2 góp vốn vào Công ty Faros, giúp nâng khống vốn góp của Mạnh tại Faros.

Theo kết luận điều tra, nhằm hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, tháng 4/2016, ông Bình đứng tên hộ là cổ đông góp vốn vào Công ty Faros bằng hình thức ký hợp đồng (do bà Huế soạn sẵn) mua lại 50.000 cổ phần với giá trị 500 triệu đồng từ bà Đặng Thị Hồng (ông Bình không thanh toán tiền).

Ông Bình còn ký cam kết nắm giữ cổ phiếu ngày 11/7/2016 để bà Huế lập danh sách cổ đông làm hồ sơ đề nghị niêm yết.

Từ tháng 2/2016- 3/2021, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Công ty FLC Quy Nhơn và Công ty KLF, dù không điều hành hoạt động công ty, không có thỏa thuận giao dịch kinh tế, nhưng ông Bình vẫn ký 18 ủy nhiệm chi khống chuyển 582,06 tỷ đồng đến Công ty SCO, Công ty Faros, Công ty Huy Hoàng và Công ty FLC Land để bà Huế sử dụng tạo dòng tiền chạy qua tài khoản của các công ty hạch toán kế toán hợp thức, che giấu việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống tại Công ty Faros.

Theo CQĐT, ông Bình đã được ông Quyết cho 66.000 cổ phiếu và ông Bình đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên, thu về hơn 2,6 tỷ đồng.

 CQĐT cho rằng, hành vi của các ông Tài, Bình cùng những người liên quan đã giúp cho bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Theo Vietnamnet

Từ khóa : FLCThao Túng Chứng Khoántrịnh văn quyết

Các tin liên quan đến bài viết