Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng thị trường tín dụng đang bị “nghẽn cổ chai”, do nhu cầu vay vốn của nền kinh tế tăng mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không những được giao chỉ tiêu hằng năm mà còn bị kiểm soát quý.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng cả tháng nay hầu như không biến động, vì sao?  - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) 

Việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều nước dẫn đến bong bóng tài sản, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh, áp lực lạm phát ở các nước đang phát triển có xu hướng tăng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần thận trọng trong điều hành tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát ở mức 4% như Quốc hội và Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước)

Dù khẳng định vốn tín dụng chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh, chiếm đến 63% tổng dư nợ nền kinh tế, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn phải kiểm soát chặt nguy cơ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT…

Không dám huy động vì bị siết đầu ra

Gần một tháng nay, theo ghi nhận của chúng tôi, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hầu như không biến động do các ngân hàng không dám đẩy mạnh huy động bởi đầu ra bị giới hạn, dù nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn.

Chẳng hạn tại đại hội cổ đông được tổ chức ngày 23-4, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, tổng giám đốc Sacombank, cho hay huy động vốn của ngân hàng này chỉ tăng trên 3,5% trong khi cho vay tăng 5,8%.

Theo nhiều ngân hàng, do dịch COVID-19 đã tạm lắng so với trước, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong năm nay tăng mạnh. Tuy nhiên, do chỉ tiêu tín dụng được giao hạn chế và kiểm soát theo quý, các ngân hàng chỉ ưu tiên vốn cho xuất khẩu, trong đó trọng điểm là các doanh nghiệp ngành sắt thép, cao su…

Theo ông Jens Lottner – tổng giám đốc Techcombank, dù được duyệt mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 12%, nhưng ngân hàng này kỳ vọng sẽ được nới chỉ tiêu cao hơn mức nêu trên, căn cứ vào khả năng phục hồi kinh tế.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room để có thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, do nhiều doanh nghiệp xin vay nhưng ngân hàng lại hết room.

“Do hoạt động cho vay bị hạn chế, chúng tôi đẩy mạnh nguồn thu từ các dịch vụ khác như thẻ, thanh toán, chuyển tiền, tư vấn sáp nhập…”, vị này nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng khá cao và kỳ vọng được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu.

Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức ngày 23-4, khi được hỏi trần tăng trưởng tín dụng 12 – 14% có ảnh hưởng gì kết quả kinh doanh, lãnh đạo HDBank cho biết ngân hàng này xây dựng kế hoạch tăng trưởng trên 20%. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi room nên ngân hàng này sẽ đẩy mạnh các dịch vụ, trong đó có mảng bancassurance (bảo hiểm) để bù đắp.

Áp hệ số an toàn vốn thay cho chỉ tiêu?

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 16-4 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020, trong đó dòng vốn chủ yếu chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ đạt gần 6 triệu tỉ đồng, tăng 2,79% so với cuối năm ngoái, chiếm tới hơn 63% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ với ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,67 triệu tỉ đồng, tăng 3,42%… Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm sẽ hạn chế vốn đổ vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản và chứng khoán. Đây cũng là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại kèm với việc kiểm soát theo quý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Hà, vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, cho rằng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo thanh khoản hệ thống và ổn định lãi suất. Từ nay đến cuối năm, tùy diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch COVID-19 trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng cho phù hợp.

“Quan điểm điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là phải đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế, khuyến khích cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông”, ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý các ngân hàng bằng hệ số an toàn vốn (CAR) chứ không phải quản lý bằng công cụ trực tiếp, hành chính như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm.

“Khi đó, các ngân hàng có thể tự quyết định hạn mức tín dụng miễn là đảm bảo CAR, tránh tình trạng vốn bị nghẽn vì ngân hàng hết room, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và thời điểm cuối năm”, một chuyên gia nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 14-4, dư nợ cho vay chứng khoán đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, chiếm gần 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,7% so với cuối năm ngoái. Trong đó, những ngân hàng dẫn đầu cho vay đầu tư chứng khoán là Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ cho vay chứng khoán), BIDV (13,47%), Techcombank (12,46%), VIB (5,25%)…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chứng khoánthị trường bất động sảntín dụngvay vốn ngân hàng

Các tin liên quan đến bài viết