Nhờ bán các sản phẩm như điện thoại, máy tính, thuốc, các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa…, hàng loạt ông lớn ngành bán lẻ – tiêu dùng như Vinamilk, Masan, FPT, Thế giới di động… ghi nhận lãi hàng ngàn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Lãi hàng ngàn tỉ đồng nhờ bán thực phẩm, thuốc men... - Ảnh 1.

Nhờ nắm giữ thị phần lớn, nhiều ‘ông lớn’ trong ngành bán lẻ vẫn đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định 
Dù mức độ cạnh tranh khốc liệt, cộng thêm áp lực lạm phát khiến không ít khách hàng dè dặt mua sắm, song nửa đầu năm 2022, nhiều “ông lớn” ngành tiêu dùng – bán lẻ vẫn mang về khoản lãi hàng ngàn tỉ đồng.

Nằm trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn hàng đầu sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) và Công ty CP Tập đoàn Masan (mã MSN) được nhiều người quan tâm.

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, tính chung nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của Vinamilk đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 28.900 tỉ đồng. Dù lợi nhuận bị giảm 20% xuống còn xấp xỉ 4.380 tỉ đồng, đây cũng là kết quả đáng mơ ước so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành.

Vinamilk giải thích, việc kinh doanh bị ảnh hưởng do giá nguyên vật liệu cao, lạm phát tăng cao nên sức tiêu thụ giảm, nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa, chi phí vận chuyển tăng, chi phí bán hàng tăng để kích cầu tiêu dùng…

Hiện đứng top 7/10 về vốn hóa trên sàn chứng khoán (xấp xỉ 151.000 tỉ đồng), kết quả kinh doanh của Tập đoàn Masan cũng được hé lộ.

Cụ thể, về hoạt động của chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+, Masan cho biết doanh thu tổng hai chuỗi đạt hơn 14.200 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại bỏ việc người dân tích trữ hàng tiêu dùng vào quý 2 năm ngoái do COVID-19, doanh thu đợt này được coi là tăng nhẹ.

Thương hiệu mới Phúc Long Heritage cũng đạt doanh thu 820 tỉ đồng, tăng gần 39% so với nửa đầu năm trước. Do gia tăng mở rộng quy mô chuỗi kiôt và cần thêm thời gian tối ưu hoạt động, EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của chuỗi trà – cà phê này giảm so với cùng kỳ năm trước, đạt 117 tỉ đồng.

Nửa đầu năm, doanh thu của hầu hết các ngành hàng chủ lực như thịt chế biến, cà phê và bia đều tăng mạnh. Doanh thu từ gia vị và thực phẩm tiện lợi chỉ tăng nhẹ. Doanh thu sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình giảm nhẹ.

Do đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của Masan MEATLife’s giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.940 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay – hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh thịt.

Tổng kết nửa đầu năm nay, mặc dù doanh thu giảm 13% xuống còn 36.000 tỉ đồng, tập đoàn do tỉ phú Nguyễn Đăng Quang điều hành vẫn mang về lợi nhuận sau thuế hơn 3.100 tỉ đồng, tăng tới 123% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng có điểm chung là bán điện thoại, máy tính… và vận hành chuỗi nhà thuốc, song bức tranh kinh doanh của Công ty CP FPT (mã FPT) và Công ty CP Thế giới di động (mã MWG) cũng có nhiều khác biệt.

FPT nửa đầu năm nay đạt doanh thu thuần gần 20.000 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế 3.100 tỉ đồng, lần lượt tăng 22% và 29% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành gần một nửa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Doanh nghiệp này cho biết kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số và tăng trưởng biên lợi nhuận mảng viễn thông.

Là công ty con của FPT, chuyên mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ và vận hành chuỗi nhà thuốc Long Châu, nửa đầu năm 2022 Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số (mã FRT) cũng tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hơn 14.000 tỉ đồng (+55%), lãi hơn 260 tỉ đồng (gấp 3,5 lần bán niên trước).

Trong khi đó, trải qua nửa đầu năm nay, Thế giới di động mang về hơn 70.800 tỉ đồng doanh thu và hơn 2.570 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13% và 1%.

Trong cơ cấu doanh thu, hai chuỗi bán lẻ Thế giới di dộng và Điện máy xanh nắm giữ gần 81%. Chuỗi Bách hóa xanh chiếm 18%, còn lại là các mảng khác (bao gồm chuỗi nhà thuốc An Khang).

Để tối ưu hóa lợi nhuận, thời gian tới doanh nghiệp tiếp tục rà soát và đóng bớt số lượng lớn cửa hàng, điều này cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận quý 2 và 3-2022.

Theo đội ngũ phân tích của Chứng khoán SSI, mặc dù lạm phát có thể gia tăng trong các quý tới, tác động tiêu cực đến mức chi tiêu, khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ tăng thị phần.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bán lẻDoanh nghiệp niêm yếtFPTMasanthế giới di độngVinamlik

Các tin liên quan đến bài viết