Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng chữa bệnh nên nhiều doanh nghiệp đang “lách” bằng thư cảm ơn, bài “nhân vật chia sẻ” khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

 

“Lách” luật quảng cáo thực phẩm chức năng
Các quảng cáo tác dụng trị ung thư của sản phẩm chiết xuất từ rong nâu. Nhiều người đã phản ứng những quảng cáo này trên mạng xã hội vì cho rằng tác dụng không như quảng cáo 

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các doanh nghiệp này nói rằng “không biết ai đã quảng cáo sai, còn công ty tôi là vô can”!

Theo quy định trong thông tư 09 của Bộ Y tế thì tất cả quảng cáo thực phẩm chức năng đều phải được thẩm định nội dung. Quảng cáo thực phẩm chức năng cũng bắt buộc có thêm chi tiết “sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh” và không được chỉ định để điều trị bệnh cụ thể. Nếu phát hiện những quảng cáo vi phạm, hãy báo tin cho chúng tôi xem xét xử lý”
Ông Nguyễn Thanh Phong (cục trưởng Cục An toàn thực phẩm)

Núp bóng “nhân vật chia sẻ”

Một bài chia sẻ của một người 65 tuổi bị bệnh gout ở Ninh Bình về một loại thực phẩm chức năng B. có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh này được đăng trên không ít tờ báo, trang tin điện tử. Theo đó, trước khi sử dụng sản phẩm B., nhân vật đã có 10 năm sống chung với bệnh gout, mỗi lần đau đớn phải uống đến 4 viên thuốc điều trị gout nhưng phải 5 – 6 ngày sau mới hết đau. Nhưng từ khi được giới thiệu về loại thực phẩm chức năng B. có 12 loại thảo dược đặc trị gout, ông sử dụng liên tục trong vòng 1 tháng, chỉ số acid uric từ 700µmol/l giảm xuống còn ở mức 300µmol/l, dùng liên tục 5 tháng không còn cơn đau, dùng liên tục 2 năm bị sỏi thận cũng hết nên ông viết thư cảm ơn! Môtíp chung của hình thức “nhân vật chia sẻ” là: trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây nên hoặc nếu không sử dụng tiếp bệnh lại tái phát… – đó cũng chính là lý do để nhân vật viết thư cảm ơn, chia sẻ với người khác. Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của nhân vật trải nghiệm. Ngoài báo điện tử, các trang tin chính thức, hiện các dạng bài giới thiệu, thư cảm ơn của bệnh nhân đã được đăng rất nhiều trên mạng xã hội. Thậm chí có cơ sở còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo. Một biên tập viên nhiều năm xuất hiện trên bản tin của Đài truyền hình VN cũng đã xuất hiện ở quảng cáo sản phẩm… trị bệnh trĩ.Trao đổi với Tuổi Trẻ, biên tập viên này cho biết toàn bộ nội dung quảng cáo liên quan đến cá nhân anh là ngụy tạo. Biên tập viên kể trên có bị tổn hại chút ít về hình ảnh, nhưng có những người bệnh đã bị tổn hại sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo rầm rộ và gián đoạn quá trình điều trị chính thức. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, 27 tuổi ở Bắc Giang, đã trải qua 4 năm điều trị bệnh ung thư máu, mới đây đã tổ chức các buổi live stream trên mạng xã hội trao đổi kinh nghiệm điều trị với những người bệnh ung thư khác. Theo chị Hương, kinh nghiệm của chị là tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sĩ, không tùy ý sử dụng sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội. “Một người cùng điều trị với tôi đã trốn bác sĩ để dùng loại nấm được quảng cáo nhiều, nhưng hậu quả rất đáng tiếc, bạn ấy đã mất sau đó một thời gian vì bị gián đoạn điều trị” – chị Hương nói với phóng viên Tuổi Trẻ.
“Tắc” quản lý quảng cáo trên mạng
Theo quy định trong nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh… sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiên – phó chánh thanh tra Bộ Y tế, nếu muốn phạt doanh nghiệp sử dụng thư cảm ơn của bệnh nhân, chia sẻ của người dùng sản phẩm thì phải chứng minh mối liên quan giữa nhà cung cấp sản phẩm/công ty quảng cáo và quảng cáo đó. “Nhiều trường hợp không dễ chứng minh, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội. Muốn chứng minh thì phải mất nhiều thời gian, công sức” – ông Nhiên chia sẻ. Một chuyên gia của Bộ Y tế cũng nói rằng: “Thực tế chỉ xử phạt được nếu chứng minh được cá nhân, doanh nghiệp cụ thể đã thực hiện hoặc phát hành quảng cáo, nhưng quảng cáo bằng tờ rơi, trên mạng xã hội thì rất khó chứng minh. Nhiều khi chúng tôi phải dùng hình thức công bố quảng cáo đó vô thừa nhận để gián tiếp công bố đó là thông tin sai lệch”. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cũng có thông báo cho biết cục nhận được tin báo thực phẩm chức năng TTHL quảng cáo phản cảm, tuy nhiên khi Cục An toàn thực phẩm làm việc với công ty công bố chất lượng sản phẩm này thì công ty không nhận đã phát hành quảng cáo, đồng thời cho rằng không biết ai đã quảng cáo sản phẩm! Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng không tìm được chủ thể đã quảng cáo sai, đồng nghĩa với việc không xử phạt được vi phạm quảng cáo sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trong một hội nghị mới đây, cho biết riêng 10 tháng đầu năm 2016 đã có tới 8.000 thực phẩm chức năng công bố hợp chuẩn hợp quy, trong đó có 5.000 sản phẩm là sản xuất trong nước. Khi số lượng thực phẩm chức năng mới gia nhập thị trường là rất lớn thì doanh nghiệp buộc phải quảng cáo mới, lạ, hấp dẫn để bán được hàng. Trong số quảng cáo mới, lạ, hấp dẫn đó, có cả những quảng cáo vi phạm, thậm chí đánh lừa người tiêu dùng nhưng dường như Bộ Y tế vẫn đang vướng, chưa “trị” được các chiêu trò mới trong quảng cáo thực phẩm chức năng.

Quảng cáo gây hiểu lầm: Theo quảng cáo, loại thực phẩm chức năng có tên VNK từng được Bệnh viện Nhi T.Ư nghiệm thu, ghi nhận kết quả nghiên cứu hiệu quả trong hỗ trợ trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ở một số lĩnh vực giao tiếp, nhận thức, tiếp thu, cải thiện rối loạn giấc ngủ, hành vi tăng động, khả năng học tập và ghi nhớ ở trẻ…Ông Thành Ngọc Minh, trưởng khoa tâm bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư, xác nhận vào năm 2014 khoa có nghiên cứu trên 100 trẻ dưới 6 tuổi bị rối loạn tự kỷ điều trị tại khoa từ tháng 3 đến tháng 12-2014 và đưa ra kết quả trên. Ông Minh cho biết đây là một nghiên cứu quy mô nhỏ, ông không tán thành với quảng cáo kiểu nhân vật chia sẻ gây hiểu lầm là trẻ hết bệnh, khả năng nói tốt sau một thời gian sử dụng sản phẩm. Khi nói về tình trạng “loạn” quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư trên thị trường hiện nay, lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho biết nhiều sản phẩm mới chỉ được nghiên cứu trên chuột, nhưng không phải chữa được trên chuột là chữa được trên người. “Nếu sản phẩm quảng cáo hỗ trợ/điều trị ung thư thì nghiên cứu phải do ngành ung thư thực hiện kết quả mới tin cậy” – vị lãnh đạo này cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : quảng cáothực phẩm chức năng

Các tin liên quan đến bài viết