Ngày càng nhiều bạn trẻ hoàn tất chương trình cử nhân rồi quay trở lại học cao đẳng, trung cấp. Có bạn rẽ ngang khi vẫn còn là sinh viên.
Sinh viên theo học nghề tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist
Giống như một quá trình “liên thông ngược”, thay vì theo hướng truyền thống là từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, giờ đây một số bạn trẻ chọn học đại học rồi chuyển sang các bậc cao đẳng, trung cấp.
Ngược đường
Sau thời gian thực tập tại khách sạn M Hotel Saigon (Q.1, TP.HCM), Trịnh Nguyên Phương (24 tuổi, quê Đồng Nai) vừa được nhận làm lễ tân chính thức. Mỗi tuần, Phương đứng trực lễ tân 6 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Phương chọn làm ca tối và ca khuya để ban ngày hoàn thành một số môn học tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trước khi chính thức tốt nghiệp.
Ngày mới tốt nghiệp cấp III, Phương còn phân vân chưa quyết định sẽ học tiếp gì thì được gia đình định hướng theo ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường ĐH Đồng Nai. Sau hơn 3 năm theo học, đã đứng lớp thực tập tại một trường phổ thông ở Đồng Nai và đã đi dạy thêm, Phương mới nhận thấy mình không hợp với công việc “gõ đầu trẻ”.
Trong lúc khủng hoảng lựa chọn nghề nghiệp ấy, Nguyên Phương cho mình khoảng lặng để biết bản thân thật sự thích gì. Bạn nhận ra mình yêu thích công việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn và sau thời gian suy nghĩ thật kỹ, Phương quyết tâm làm lại.
“Nhưng gia đình mình khi đó phản đối dữ lắm. Từ chỗ sắp sửa trở thành một giáo viên tiếng Anh cấp III, mình phải bắt đầu lại hoàn toàn, và từ tấm bằng cử nhân, mình lại quyết định về học trung cấp. Mình kiên trì thuyết phục đến lúc phụ huynh nhận ra đó là đam mê của mình” – Nguyên Phương nhớ lại.
Tương tự, Hà Phước Nhân (27 tuổi, quê Đà Nẵng) hiện là sinh viên năm cuối của lớp hướng dẫn du lịch tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Phước Nhân theo học và tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Có bằng cử nhân, Phước Nhân đầu quân cho một công ty lữ hành nhưng sau một khoảng thời gian làm việc, bạn nhận thấy cần phải học thêm một số kỹ năng chuyên môn. Vậy là Nhân học thêm hệ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn trong 2 năm.
Bạn nhận thấy học trung cấp chú trọng vào những nội dung thực hành. Điển hình, phần học về các tuyến điểm du lịch, Phước Nhân được học từ 60-100 tiết, trong khi ở một số trường đại học chỉ được học khoảng 30 tiết. Các kỹ năng xử lý tình huống thực tế cũng được dạy kỹ hơn.
“Mình không xem việc học đại học rồi học thêm trung cấp là một bước lùi, mà chỉ là bản thân đang bổ sung những gì còn thiếu cho sự nghiệp của mình. Mình dự định tốt nghiệp xong sẽ tiếp tục làm hướng dẫn, sau đó mở công ty kinh doanh du lịch riêng” – Nhân nói.
Muốn được thực hành nhiều hơn
ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn – cho hay mỗi năm trường đều ghi nhận một số lượng đáng kể các bạn từ các trường đại học chuyển sang học cao đẳng.
Cô chia sẻ cột mốc thường để phân chia các đợt tuyển của trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp là khi thí sinh lớp 12 năm đó biết điểm thi tốt nghiệp THPT, vào khoảng giữa tháng 7. Các đợt tuyển sinh trước tháng 7 thì thường 100% nhập học là các bạn đã tốt nghiệp THPT các năm trước, đã hoặc đang học đại học các trường khác. Có bạn chuyển khác ngành, cũng có bạn học du lịch bậc cử nhân lại chuyển sang cũng học du lịch bậc cao đẳng.
“Chúng tôi có tìm hiểu lý do thì ngoài việc các bạn đã xác định được đam mê của mình, nhiều bạn muốn học ở bậc cao đẳng, trung cấp vì được thực hành nhiều hơn, ra trường có việc làm sớm hơn” – cô Xuân nói.
Tương tự, bà Phan Diễm Linh, phụ trách ban hướng nghiệp – Hướng nghiệp Á Âu, nhận thấy tại Hướng nghiệp Á Âu, những trường hợp học đại học rồi “học lại” thường phổ biến các khóa như quản trị nhà hàng khách sạn.
Phần lớn các bạn muốn thực hành nhiều hơn. Một số bạn đã học các ngành về kinh doanh ở bậc đại học, nhưng kinh doanh vốn rất rộng nên sau khi tốt nghiệp, các bạn chọn học thêm một vài mảng chuyên sâu như nấu ăn, làm bánh, pha chế, chăm sóc sắc đẹp… để có thể kinh doanh riêng.
“Các bạn trẻ có tính đa nhiệm cao và nhà tuyển dụng cũng có xu hướng ưu tiên những người có khả năng đa nhiệm để tối ưu chi phí nhân sự và hiệu suất công việc. Đa nhiệm không có nghĩa là cái gì cũng giỏi, mà là có một chuyên môn chính và nhiều kỹ năng bổ trợ khác” – bà Linh nói.
Phải học lại từ đầu
TS Lê Đình Kha, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng tại trường khá hiếm gặp trường hợp đã học xong 4 năm đại học rồi học lại cao đẳng. Tuy nhiên, mỗi năm trường đều ghi nhận khá nhiều trường hợp sinh viên đang theo học năm nhất, năm hai ở các trường đại học rẽ ngang sang học cao đẳng. Phần nhiều các bạn chọn những ngành kỹ thuật như ô tô, điện, cơ khí…Theo ông Kha, hầu hết các sinh viên này đều sẽ phải học lại từ đầu. Sinh viên sẽ học trọn vẹn các môn học được thiết kế theo chương trình của trường cao đẳng, chưa thể chuyển đổi từ các môn ở đại học. Riêng các học phần về giáo dục thể chất, sinh viên nếu đã hoàn thành ở bậc đại học thì có thể được xem xét miễn khi học ở cao đẳng.
Học nghề vì muốn đi làm sớm
TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – cho biết trong những năm gần đây, luôn có các tân sinh viên vào trường có điểm thi tốt nghiệp THPT ở khoảng trên 20, có thể trúng tuyển vào các trường đại học “tốp trung”.
Thay vì chọn đại học, các sinh viên này chọn học cao đẳng ngay từ đầu. Hầu hết các em chia sẻ lựa chọn hướng đi như thế là vì muốn học xong sớm để đi làm. Sau khi đi làm, chừng nào thấy cần thiết, các em mới học liên thông lên cao, như thế sẽ nắm chắc kiến thức hơn.
“Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên đủ điểm trúng tuyển đại học tốp trung nhưng chuyển sang học nghề vẫn không vượt quá 10% tổng số tân sinh viên” – ông Hải nói.
Nguồn: tuoitre.vn