Đời sống của những người bán sữa lạc đà ở Kenya đã biến chuyển tích cực một cách rõ nét sau khi được trang bị các tủ lạnh giúp sữa tươi lâu hơn, giá cao hơn.
Chị Halima Sheikh Ali là chủ của một trong số ít những máy bán sữa tự động đông lạnh ở thị trấn Wajir, phía bắc Kenya. Nhu cầu sữa lạc đà đang bùng nổ ở Wajir trong thời gian gần đây bởi người ta tin rằng nó bổ dưỡng hơn sữa bò.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao vào mùa hạn (thường trên 40 độ C), kết hợp với các bình và thùng đựng chứa không được làm sạch, là nguyên nhân chính khiến sữa lạc đà dễ bị thiu chỉ sau vài tiếng được vắt.
Điều này khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn do không bán được sữa hoặc chấp nhận bỏ thêm tiền mua củi về nấu sữa trước khi bán.
“Tôi thường mất 100 shilling Kenya (1 USD) mỗi ngày để mua củi về nấu sữa. Nhưng sữa thường bị hư trước khi nó tới được Wajir bởi quãng đường di chuyển mất hết gần 3 tiếng”, chị Asha Abdi, một người bán sữa lạc đà ở làng Hadado, cách Wajir khoảng 80km.
“Sữa lạc đà là tất cả. Có sẵn nguồn cung và nhu cầu cả rồi. Chúng ta chỉ cần làm sao để vận chuyển sữa từ chổ này tới chổ kia dễ dàng hơn trước là đủ”, Noor Abdullahi, nhân viên của Mercy Corps nói với hãng tin Reuters.
Kenya là một trong những nước sản xuất sữa lạc đà nhiều nhất thế giới, tuy nhiên phần lớn nhu cầu đều đến từ trong nước. Tại một số vùng hạn hán như Wajir, nuôi lạc đà lấy sữa là một sự đầu tư an toàn trong giai đoạn hạn hán.
Ông Gedi Mohammed, người từng có đàn bò lấy sữa hơn 100 con, tâm sự ông đã bỏ đàn bò và chuyển sang lạc đà khoảng 10 năm nay. “Lạc đà uống nhiều nước hơn bò nhưng chúng có thể sống tới 8 ngày mà không cần nước trong khi bò chỉ 2 ngày là đã lăn ra chết”.
Với một số người chuyên bán sữa lạc đà như chị Abdi, tủ lạnh giúp chị tiết kiệm được tiền củi lửa mỗi tháng gần 50 USD và kiếm thêm kha khá nhờ vào chất lượng sữa tốt, lại bán được ở nơi có nhu cầu cao.
“Tôi ước sữa lạc đà sẽ được xuất khẩu qua Mỹ. Nghe nói ở đó người ta xem thứ này như vàng vậy”, chị Abdi tâm sự.
Nguồn: tuoitre.vn